Công văn trả lời của Bộ GD&ĐT nêu, Sách giáo khoa (SGK) là tài liệu triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh.
SGK định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Việc biên soạn, xuất bản SGK của các tổ chức, cá nhân thực hiện công bằng, minh bạch và theo quy định của pháp luật.
Văn bản dẫn nội dung Thông tư 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, tiêu chuẩn về tổ chức, cá nhân biên soạn SGK và quy định về tổ chức, thành lập và hoạt động của hội đồng thẩm định.
Các hội đồng quốc gia được thành lập và hoạt động theo đúng quy định tại Thông tư 33 với tinh thần nghiêm túc, khách quan, khoa học, công bằng.
Bộ GD&ĐT cho biết, trong lần thẩm định này 5 bộ sách của 9 môn học trong chương trình lớp 1 được nhà xuất bản có chức năng xuất bản SGK đề nghị Bộ GD&ĐT thẩm định.
Trong đó, các bản mẫu SGK môn Tiếng Việt lớp 1, Toán lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên là một trong bộ sách được NXB Giáo dục đề nghị thẩm định. Qua thẩm định vòng 1, một số bản mẫu sách được xếp loại “đạt nhưng cần sửa chữa” và có một số bản mẫu được xếp loại “không đạt”.
Đối với bản mẫu SGK Tiếng Việt 1 và Toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, văn bản trả lời của Bộ GD&ĐT ghi rõ: “GS Hồ Ngọc Đại đã được Bộ GD&ĐT mời đến nghe thông báo kết quả, đối thoại với từng hội đồng thẩm định. Tại các buổi làm việc này, GS Hồ Ngọc Đại và cộng sự nghe kết luận của hội đồng và không có ý kiến thêm”.
Theo Thông tư 33, với các bản mẫu SGK bị đánh giá “không đạt", nếu các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tiếp tục biên soạn SGK, bản mẫu phải được xây dựng lại để tổ chức thẩm định, như thẩm định lần đầu.
Vì vậy, tập thể tác giả bản mẫu sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 do GS. Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện các bản mẫu theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018, đề nghị thẩm định lại theo quy định tại Thông tư 33, để sách có cơ hội góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.
Ngày 24/9, Trung tâm Công nghệ giáo dục có ý kiến gửi tới Bộ trưởng GD&DT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ ý kiến không đồng tình đánh giá của Hội đồng, với những lý do cụ thể.
"Bộ sách Công nghệ giáo dục được hình thành và phát triển trong quá trình nghiên cứu và thực nghiệm công phu trên 40 năm, từ ý tưởng khoa học đến hệ thống lý luận, triết lý giáo dục trở thành một phương án giáo dục mới cho bậc tiểu học.
Đến nay, những quan điểm của Công nghệ giáo dục được áp dụng khá rộng rãi như lấy học sinh làm trung tâm, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đi học là hạnh phúc, học sinh học tập đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao", theo văn bản.
Văn bản cũng chỉ rõ, trong khi sách giáo khoa chính thống đến nay phải qua hai đợt cải cách, thì sách Công nghệ giáo dục qua ba lần thẩm định (năm 1990, 2017 và 2018) mà chưa phải cải cách lần nào, chỉ phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phát triển.
"Về bản chất, chương trình Công nghệ giáo dục phù hợp với đường lối, quan điểm đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, cả về lý thuyết và trên thực tiễn", bản kiến nghị viết rõ.
Chia sẻ thêm với VTC News về kiến nghị trên, PGS.TS Nguyễn Kế Hào nói: "Việc đánh giá đương nhiên phải đề ra những chuẩn mực, có người đại diện được chọn vào hội đồng thẩm định để đánh giá. Nhưng theo tôi, việc đánh giá vẫn trong phòng họp trên văn bản, chưa có thực tế.
Tôi đề nghị phải hỏi trên 900.000 học sinh, phải dự giờ bởi "trăm nghe không bằng một thấy". Nếu đánh giá dựa trên các tiêu chí, mà giữa các tiêu chí đó và thực tế cuộc sống không khớp nhau thì cần xem lại các chuẩn mực đánh giá có chủ quan hay không? Thậm chí, luật đưa ra, nhưng khi áp dụng không hợp lý vẫn phải sửa.
Đây không phải thành tựu của riêng Hồ Ngọc Đại, mà là thành tựu của giáo dục Việt Nam".
Bình luận