"Lần này đánh bắt ở ngư trường mới có thể gặp nhiều nguy hiểm, nên nhiều ngư dân địa phương không dám đi", Trưởng Hiệp Hội đánh bắt cá nói.
Lời phát biểu này, theo các chuyên gia, thể hiện sự chuẩn bị rất kỹ của Trung Quốc cho ngư dân trong việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Tàu cá và tàu Ngư chính Trung Quốc ở Trường Sa của Việt Nam |
Xuất phát từ cảng Tam Á lúc 11h ngày 12/7, các biên đội tàu cá mất gần 78 giờ đến nơi. Các tàu cá dự kiến đánh bắt ở khu vực Đảo đá Chữ Thập khoảng 5 đến 10 ngày.
Ngay sau khi 30 tàu cá đến khu vực Đảo đá Chữ Thập, tàu Ngư chính 310 cũng "kịp thời đến khu vực để triển khai công tác bảo vệ", theo Tân Hoa Xã.
Cũng theo Tân Hoa Xã, hôm nay, 29 tàu cá sẽ triển khai hoạt động đánh bắt. Trưởng Hiệp hội đánh bắt cá địa phương Lương Á Phi nói: "Lần đi đánh bắt ở Trường Sa này có thể gặp nhiều nguy hiểm như mưa bão, có khi còn bị các tàu nước ngoài gây khó khăn, do đó, nhiều ngư dân địa phương lần này không dám đi".
"Tôi hy vọng lần đánh bắt ở Trường Sa này, các ngư dân hãy đoàn kết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất. Chúng ta cần phải thích ứng môi trường mới ở ngư trường mới, có vấn đề gì chúng ta phải cùng nhau thương lượng, bàn bạc, cùng giải quyết, cùng hiểu rõ ngư trường mới Trường Sa".
Phát biểu trên một lần nữa cho thấy sự tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng của Trung Quốc khi đưa các tàu này đến hoạt động bất hợp pháp tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với VTC News, TS Trần Công Trục - Nguyên trưởng ban biên giới Chính phủ nói cả thế giới đã thấy ai mới là kẻ không chấp hành đúng nội dung Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC) và "Trung Quốc đang 'vừa ăn cắp vừa la làng".
Đỗ Hường
Bình luận