Ngành hàng không vũ trụ tư nhân của Trung Quốc đang choáng váng sau sự cố lớn đầu tiên, khi một tên lửa gặp "lỗi cấu trúc" rơi xuống và phát nổ ở vùng ngoại ô tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, hôm 30/6.
Cũng chính ngày hôm đó, ngành vũ trụ Trung Quốc ghi nhận thành tựu quan trọng mới với việc khai trương trung tâm phóng vũ trụ thương mại quốc tế đầu tiên ở tỉnh đảo Hải Nam, cực nam nước này.
Ông Yang Tianliang, Chủ tịch Tập đoàn Phóng tàu vũ trụ Thương mại Quốc tế Hải Nam (HICAL) cho biết địa điểm này dự kiến sẽ tiến hành các vụ phóng tên lửa đầu tiên trong năm nay, đánh dấu sự khởi đầu cho các hoạt động thương mại.
Ông nói: “Kế hoạch của trung tâm là mở rộng địa điểm phóng và tăng cường bệ phóng, mục đích để cung cấp dịch vụ phóng tên lửa và vệ tinh trong nước và quốc tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực công nghệ vũ trụ thương mại của Trung Quốc”.
Trung tâm phóng vũ trụ quốc tế Hải Nam, rộng khoảng 54 ha, là một phần trong tham vọng lớn lao của Trung Quốc nhằm xây dựng các chòm vệ tinh riêng, tương đương với Starlink của SpaceX.
Việc xây dựng bắt đầu vào tháng 7/2022 với các hạ tầng chính bao gồm các cơ sở tiếp nhiên liệu, trạm biến điện, nhà lắp ráp tên lửa và bệ phóng kép. Các hạng mục được hoàn thành chỉ trong 726 ngày, một tốc độ xây dựng nhanh kỷ lục trong ngành.
Hãng thông tấn Tân Hoa xã đưa tin, HICAL đang hợp tác với các nhà phát triển tên lửa để thực hiện các thử nghiệm liên quan đến hạ cánh thẳng đứng và thu hồi tên lửa từ biển.
Theo iiMedia Research, thị trường không gian thương mại của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 2015, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ước tính hơn 20% từ năm 2017 - 2024 và dự kiến sẽ đạt 2.340 tỷ nhân dân tệ (326 tỷ USD) trong năm nay.
Sách xanh mới nhất do Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, phát hành hàng năm, đã nêu chi tiết 36 vụ phóng tên lửa thương mại vào năm 2023, chiếm 39% tổng số vụ của cả nước.
Song Zhengyu, nhà khoa học tên lửa cấp cao của Học viện Công nghệ Tên lửa Trung Quốc, cho biết trong một bài báo đăng tải trên Tạp chí Du hành vũ trụ Trung Quốc, rằng cuộc đua xây dựng một chòm sao vệ tinh khổng lồ “đang đưa ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc bước sang một thời đại mới”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sự cố tên lửa phát nổ hôm 30/6 vừa qua có thể có thể làm kìm hãm ngành công nghiệp vũ trụ thương mại đang phát triển mạnh của Trung Quốc, dẫn đến sự thận trọng hơn từ các nhà điều hành và sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý.
Tên lửa Thiên Long-3 của Space Pioneer có thiết kế và hiệu suất tương tự như Falcon 9 của SpaceX, khai hỏa vào lúc 15h34 chiều 30/6 ở tỉnh Hà Nam, nhưng ngay lập tức gặp sự cố khi cất cánh do lỗi cấu trúc ở phần kết nối giữa thân tên lửa và bệ phóng.
Tên lửa rơi xuống và phát nổ thành ngọn lửa trên những ngọn đồi cách bệ thử nghiệm 1,5km.
Một nhà quan sát kỳ cựu của lĩnh vực vũ trụ (yêu cầu giấu tên) cho biết rằng sự cố kỹ thuật là điều thường thấy trong các vụ phóng thử, nhưng nhiều tai nạn xảy ra ở các vùng xa xôi và không gây rúng động. Tuy nhiên, sự cố hôm 30/6 xảy ra tương đối gần một khu vực đông dân cư và "may mắn là không gây thương vong".
Đại diện của Space Pioneer khẳng định việc thất bại đã nằm trong dự tính, và người dân đã được sơ tán trước khi buổi phóng diễn ra. Dù vậy, vụ tai nạn này là "đáng lo ngại" và có thể khiến các nhà chức trách yêu cầu các công ty tên lửa thương mại "phải trải qua đợt kiểm tra an toàn" trong thời gian ngắn, cùng với việc siết chặt quy định phóng tên lửa trong tương lai.
Bình luận