Hôm 28/1, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện đoạn video quay cảnh một người phụ nữ bị cuốn xích quanh cổ trong nhà kho, nhanh chóng làm dấy lên làn sóng bức xúc. Nhiều ý kiến yêu cầu nhà chức trách điều tra nguồn gốc và xem liệu người phụ nữ có phải là nạn nhân của hủ tục “mua vợ” mà Trung Quốc đã chống lại trong hàng thập kỷ qua hay không.
Người phụ nữ sau đó được xác định tên là Tiểu Hoa Mai, đang sinh sống tại huyện Phong, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, là bà mẹ của 8 đứa con. Theo các quan chức thông tin, cô kết hôn hợp pháp vào tháng 8/1998 với một người đàn ông địa phương họ Dong, sống xa gia đình vì bị bệnh tâm thần và đôi khi trở nên bạo lực.
Đến hôm 7/2, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô công bố đang điều tra chung với huyện Phong về vụ việc của người phụ nữ, cũng như việc gia đình chồng đối xử với cô như thế nào.
Đội điều tra cho biết Tiểu Hoa Mai quê ở Vân Nam, gần biên giới với Myanmar, một khu vực nghèo, là nơi ở của cộng đồng người thiểu số Lisu. Tên của người dân ở đây thường được đặt theo các loài động vật hoặc thực vật. Việc người phụ nữ này từ Vân Nam đến được Giang Tô, cách đó hơn 3.000 km khiến cư dân mạng Trung Quốc nghi ngờ những kẻ buôn người có thể liên quan đến vụ việc.
Khi nhóm điều tra từ Giang Tô đến quê của Tiểu Hoa Mai ở Vân Nam, dựa trên địa chỉ trong đơn xin đăng ký kết hôn, người thân nói cô từng kết hôn vào năm 1994, nhưng đến năm 1996 thì ly hôn quay về nhà. Từ đó, cô bắt đầu có "hành vi bất thường".
Rồi một người phụ nữ địa phương họ Sang (có chồng ở Giang Tô) đã đưa Tiểu Hoa Mai từ Vân Nam đến Giang Tô. Sang nói mẹ của Tiểu Hoa Mai muốn cô được đưa đến Giang Tô để điều trị y tế và "tìm một gia đình tốt".
Nhưng khi Sang và Tiểu Hoa Mai bắt tàu đến Giang Tô, Sang đã mất dấu Tiểu Hoa Mai. Dù vậy, Sang không báo gì cho gia đình Tiểu Hoa Mai hay cảnh sát.
Hiện nhóm y tế điều trị cho Tiểu Hoa Mai chẩn đoán cô bị tâm thần phân liệt và có tình trạng ổn định.
Trả tiền “mua” cô dâu từng là tập tục ở vùng nông thôn Trung Quốc, nơi có xu hướng ưa thích sinh con trai hơn khiến số lượng đàn ông chưa lập gia đình tăng. Những người phụ nữ trong các cuộc hôn nhân như vậy thường đến từ các vùng biên giới nghèo.
Theo The Wall Street Journal, từ năm 2013 đến 2019, liên quan đến các vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Trung Quốc, có ít nhất 11 bản án hình sự đề cập đến huyện Phong. Hầu hết trong các vụ này, những người phụ nữ được mô tả là bị bệnh tâm thần. Trong một vụ, 5 người bị kết tội bán một phụ nữ bệnh tâm thần từ Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc đi lấy chồng ít nhất bốn lần.
Việc ra giá để cho phụ nữ đi kết hôn từ lâu đã là vi phạm pháp luật ở Trung Quốc. Hành vi trả tiền “mua” vợ được quy định thành tội hình sự từ năm 2015, có thể bị phạt tù tới 3 năm. Nhưng những người mua nếu giúp nạn nhân trở về quê có thể được hưởng khoan hồng.
Khoảng cách giới ở Trung Quốc đã giảm bớt trong những năm gần đây, mặc dù theo dữ liệu điều tra dân số năm 2020, nam giới vẫn nhiều hơn nữ giới 17,5 triệu người trong nhóm tuổi 20-40. Mới đây, tại Từ Châu, truyền thông địa phương đưa tin về một sự kiện mai mối có hàng trăm nam giới, nhưng chỉ có 5 phụ nữ tham gia.
Bình luận