Hai năm trôi qua, dân Trung Quốc mệt mỏi vì ‘không COVID’

Thời sự quốc tếThứ Tư, 15/12/2021 22:53:00 +07:00
(VTC News) -

Bước vào năm thứ ba của dịch COVID-19, dân Trung Quốc ngày càng thất vọng với chính sách “không COVID” nghiêm ngặt, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế của Bắc Kinh.

Thay vì tìm biện pháp hạn chế sự lây lan COVID-19 ở mức có thể kiểm soát, Bắc Kinh tiếp tục đóng cửa các khu vực nếu phát hiện các ca dương tính và yêu cầu tất cả người dân ở đó xét nghiệm PCR.

Giới chức Trung Quốc rất ủng hộ chiến lược này. Theo Tân Hoa Xã đăng ngày 1/12, ông Ma Xiaowei, Chủ tịch Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, phát biểu rằng chính sách “không COVID” sẽ tiếp tục là phương pháp trọng điểm chống SARS-CoV-2.

Biện pháp không khoan nhượng đã mang lại một số kết quả thuận lợi. Theo thống kê của đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ, trong số 267 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, số ca ở Trung Quốc - nơi dịch bệnh lần đầu tiên được báo cáo vào 2 năm trước - chỉ là 110.000 ca. 

Hai năm trôi qua, dân Trung Quốc mệt mỏi vì ‘không COVID’ - 1

Dân Trung Quốc ngày càng thất vọng với chính sách “không COVID” nghiêm ngặt, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế của Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, các biện pháp nghiêm ngặt cũng có hậu quả. 

Từ tháng 9/2020, các quan chức đã phong tỏa thành phố Thụy Lệ, giáp với Myanmar. Thời gian phong tỏa lên tới 7 tháng sau những lần rải rác ghi nhận các ca dương tính. 

Anh Zheng, 29 tuổi, chủ một nhà hàng ở thành phố chia sẻ: “Tôi đã phải đóng cửa hàng trong từng đợt phong tỏa, lâu nhất là 2 tháng”. Trong tháng 12 này, quán ăn của anh hoạt động trở lại nhưng thu nhập hàng ngày đã giảm chỉ còn 400 nhân dân tệ (62 USD) so với con số 4.000 nhân dân tệ ở thời điểm trước dịch bệnh. Anh cho biết sẽ chuyển về sống cùng bố mẹ ở tỉnh Phúc Kiến cuối năm nay.

Theo truyền thông Trung Quốc, tại Thụy Lệ cũng đang diễn ra một cuộc di cư, khiến thành phố từ một nơi có 500.000 dân tụt xuống còn 200.000 người. Vào tháng 11, tờ Ming Pao đưa tin về cuộc biểu tình của gần 200 người dân phản đối việc đóng cửa, sự việc khá hiếm ở Trung Quốc.

Tình trạng gián đoạn trong các hoạt động cũng xảy ra ở những thành phố khác. Cuối tháng 10 vừa qua, hàng chục nghìn người buộc phải ở lại bên trong Disneyland Thượng Hải sau khi một du khách có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh COVID-19.

Việc di chuyển ra vào giữa Trung Quốc với nước ngoài cũng rất nghiêm ngặt. Du khách đến quốc gia này phải tuân thủ quy định cách ly từ hai đến bốn tuần khiến việc sắp xếp lịch trình trở nên vô cùng khó khăn. Một người dân Trung Quốc đang làm việc tại Tokyo, Nhật Bản cho biết: “Tôi đã không thể đoàn tụ với gia đình ở Thượng Hải suốt hai năm qua”.

Chính sách chống dịch cứng rắn của Trung Quốc được triển khai từ những cấp cao nhất. Tháng 9/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố cuộc chiến chống COVID-19 thể hiện "tính ưu việt" trong sự lãnh đạo và như muốn nhấn mạnh điều này đã giúp Trung Quốc tránh khỏi làn sóng tử vong đã xảy ra với phương Tây. Chính sách cũng được cho là nhằm bù đắp phần nào cho phản ứng chậm của Bắc Kinh với đợt bùng phát dịch đầu tiên. 

Đã tròn hai năm kể từ khi bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh được báo cáo ở Vũ Hán, Trung Quốc. Các báo cáo chính thức của Trung Quốc cho thấy hàng chục ca bệnh được xác định vào cuối năm 2019.

Trong năm tới, Trung Quốc sẽ tổ chức hai sự kiện lớn gồm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX nhằm bầu ra đội ngũ lãnh đạo cấp cao vào mùa thu. Tuy nhiên, một nguồn tin trong giới ngoại giao cho biết chính sách “không COVID” sẽ tiếp tục trong ít nhất một năm nữa.

Chu Diệu My
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp