Khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng ở châu Âu ngày 19/2, ông nói rằng chủ quyền của Ukraine nên được "tôn trọng và đảm bảo" nhưng cũng đứng về phía Nga khi nhận định sự mở rộng của NATO đang làm suy yếu sự ổn định của châu lục.
Sự chuyển hướng căn bản của Trung Quốc
"Nếu NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông, liệu điều này có mang đến lợi ích cho việc duy trì hòa bình và sự ổn định ở châu Âu hay không?", Ngoại trưởng Trung Quốc nêu câu hỏi qua video tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức, sự kiện mà đích thân Phó Tổng thống Kamala Harris tham dự để tập hợp sự đoàn kết giữa các quốc gia nhằm đối phó với Nga.
Lập trường gần đây nhất của Trung Quốc khi ủng hộ Nga đã khiến các quan chức châu Âu cho rằng nước này đang có sự chuyển hướng căn bản qua việc can dự vào các vấn đề an ninh châu Âu.
Các quan chức và cựu quan chức chức châu Âu và Mỹ cho biết họ đang cảnh giác trước cái gọi là hiệp ước không gây hấn giữa Nga và Trung Quốc, vốn có thể góp phần định hình lại trật tự thế giới.
Dự đoán về một kiểu chiến tranh lạnh mới, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ hợp tác để xây dựng và thúc đẩy liên minh các quốc gia dân chủ, trong đó có các nhóm chiến lược mới ở châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, cũng như hỗ trợ các quốc gia này phát triển khả năng quân sự hiện đại.
John F. Kirby, người phát ngôn Lầu Năm Góc hồi tuần trước cho biết, chính phủ Mỹ đang đánh giá "mối quan hệ đang nảy nở" giữa Nga và Trung Quốc. Theo người phát ngôn này, một tuyên bố chung giữa 2 quốc gia được đưa ra hồi đầu tháng 2 khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ở Bắc Kinh đã cho thấy Trung Quốc đứng về phía Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong những tuần gần đây, 2 nước này đã đàm phán hợp đồng 30 năm nhằm cung cấp khí đốt từ Nga sang Trung Quốc qua một đường ống mới. Hai nước này cũng ngăn chặn yêu cầu từ phía Mỹ đối với việc Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt bổ sung lên Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa mới, mặc dù Nga và Trung Quốc từng nhất trí về các lệnh trừng phạt này trước đó. Nga đã di chuyển số lượng lớn binh lính từ Siberia tới phía Tây - một động thái cho thấy Moscow tin tưởng Trung Quốc - quốc gia có chung đường biên giới với Nga ở phía Đông.
Mối quan hệ lâu dài giữa hai nước đã đạt tới đỉnh cao với một tuyên bố chung 5.000 từ, theo đó khẳng định, quan hệ đối tác của họ "không có giới hạn", điều mà các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden coi là bước ngoặt trong quan hệ Nga - Trung và là một thách thức to lớn với Mỹ và châu Âu.
Tuyên bố trên cũng là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia cùng với Nga phản đối sự mở rộng của NATO. Hai quốc gia này cũng cùng chỉ trích chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ và quan hệ đối tác an ninh mới của nước này với Anh và Australia mang tên AUKUS.
"Họ (Nga và Trung Quốc) đang tìm kiếm một kỷ nguyên mới mà như họ tuyên bố là sẽ thay thế trật tự quốc tế hiện đại", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhận định tại Munich ngày 19/2.
"Việc này chắc chắn đáng lo ngại và đây không phải dấu hiệu tích cực từ lập trường an ninh quốc gia hay lợi ích quốc gia của Mỹ. Nga và Trung Quốc có quan điểm chung về Mỹ và có sự tương đồng giữa lãnh đạo 2 nước này", Susan Shirk - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc thế kỷ 21 tại Đại học California, San Diego và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá.
Bà Susan Shirk cho rằng Tổng thống Biden nên lôi kéo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng về phía Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Vì sao sẽ không có chiến tranh lạnh mới Mỹ - Nga – Trung?
Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ Tổng thống Putin chống lại Mỹ thì ông không hề muốn tình trạng bất ổn kinh tế mà một cuộc chiến tranh ở châu Âu gây ra. Vì thế, Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục đưa ra những tuyên bố về việc tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia như Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhận định ngày 19/2.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng gặp những hạn chế trong việc hỗ trợ Nga nếu nước này tấn công Ukraine. Sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Nga, các công ty Trung Quốc có thể mua nhiều dầu và khí đốt hơn từ Nga cũng như giúp thu hẹp khoảng cách công nghệ. Tuy nhiên, các ngân hàng sở hữu nhà nước lớn của Trung Quốc sẽ tránh vi phạm công khai các lệnh trừng phạt do lo ngại bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã gặp nhau 38 lần trên cương vị là nguyên thủ quốc gia. Họ cũng có cùng thách thức và mục tiêu trước liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Do đó, một cuộc xung đột với Nga và Trung Quốc sẽ dẫn tới một tình trạng khác hẳn so với Chiến tranh Lạnh. Nền kinh tế Trung Quốc có quan hệ mật thiết với nền kinh tế của các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, và Nga là một nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng sang châu Âu. Vì những lý do thực tế, 3 nước này sẽ không thể cắt đứt hoàn toàn trao đổi thương mại với nhau hay hình thành những khối kinh tế riêng biệt với các nước đối tác.
Phản ứng của Mỹ trước mối quan hệ Nga – Trung Quốc “chưa từng có”
Trong những ngày gần đây, các quan chức và cựu quan chức ngoại giao của lưỡng đảng Mỹ đã thể hiện mối lo ngại trước thực tế này. Ông John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia có lập trường cứng rắn dưới thời cựu Tổng thống Trump nhận định, mối quan hệ đối tác giữa Nga và Trung Quốc "sẽ kéo dài" bởi lợi ích của 2 nước "bổ sung cho nhau trong tương lai gần".
Stephen J. Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush thì gọi tuyên bố chung giữa Nga và Trung Quốc là "bản tuyên ngôn cho sự lãnh đạo toàn cầu" trong khi cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd cho rằng việc Trung Quốc có lập trường ủng hộ Nga trong vấn đề an ninh châu Âu "là một sự dịch chuyển mới, quan trọng và căn bản so với quá khứ".
Tuần trước, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chỉ trích Trung Quốc vẫn "giữ im lặng đến đáng sợ" trước việc Nga tăng cường lực lượng quanh Ukraine, đồng thời lưu ý, hai quốc gia này đang "liên kết với nhau".
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nhận định, Tổng thống Biden sẽ đối phó với Nga và Trung Quốc bằng cách xây dựng "sự kết nối lớn hơn" giữa các nền dân chủ và đồng minh của Mỹ, vượt ngoài các liên minh khu vực. Hướng tiếp cận này có thể là trung tâm trong chính sách của Tổng thống Biden khi ông từng nhận định trong chiến dịch tranh cử năm 2020 rằng Nga là thách thức lớn nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ về trung hạn và Trung Quốc là thách thức lớn nhất về dài hạn.
Tổng thống Biden đã thúc đẩy NATO đưa ra tuyên bố chung sau Thượng đỉnh vào tháng 6/2021, vạch ra những thách thức mà Trung Quốc tạo ra cho liên minh này. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 12/2021 với các quan chức từ hơn 100 quốc gia tham dự. Tháng này, Nhà Trắng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khẳng định Mỹ sẽ thúc đẩy nền dân chủ ở các nước đối tác và giúp họ "tăng cường khả năng chiến đấu hiện đại", tương tự như việc hỗ trợ Australia phát triển các tàu ngầm hạt nhân.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã chỉ trích những sáng kiến này. Từ lâu Nga và Trung Quốc đã coi việc Mỹ thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài, triển khai và chia sẻ các thiết bị quân sự là mối đe dọa to lớn.
Alexander Gabuev, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Chương trình châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Carnegie Moscow đánh giá, tuyên bố chung giữa Nga và Trung Quốc là một "dấu mốc công khai đáng chú ý" và cho rằng sự hợp tác quan trọng nhất nằm ở phía sau. Cụ thể, nhà quan sát này nhận định, doanh thu bán vũ khí từ Nga cho quân đội Trung Quốc sẽ là mối lo ngại to lớn cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.
Ông Gabuev cũng nhấn mạnh, do Nga và Trung Quốc đã dàn xếp được những tranh chấp liên quan đến đường biên giới dài hơn 4.300m năm 2018 và tăng cường hợp tác quân sự nên Moscow cảm thấy đủ an tâm để điều động binh lính từ phía Đông tới gần Ukraine.
Tuy nhiên, hai quốc gia này cũng tồn tại nhiều bất đồng. Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á - khu vực vốn được coi là phạm vi ảnh hưởng của Nga, cũng như trở thành một cường quốc ở Bắc Cực - khu vực mà Nga muốn chiếm ưu thế. Trung Quốc cũng có quan hệ thương mại quan trọng với các quốc gia Đông Âu, trong đó có Ukraine.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine và Bắc Kinh chưa công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Một điều đáng chú ý là trong tuyên bố chung giữa 2 nước, Trung Quốc không hề đề cập cụ thể tới Ukraine.
Bình luận