“Mục đích của hợp tác an ninh Trung Quốc-Solomon là thúc đẩy ổn định xã hội, hòa bình và an ninh lâu dài ở Quần đảo Solomon, phù hợp với lợi ích chung của Quần đảo Solomon và khu vực Nam Thái Bình Dương", ông Uông nói trong cuộc họp báo hôm 19/4.
Trước đó, thông tin về thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã làm dấy lên lo ngại giữa các đồng minh của Mỹ là Australia và New Zealand về ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực. Đảo quốc Thái Bình Dương thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh từ năm 2019.
Tuần trước, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương của Australia Zed Seselja đã tới Honiara, thủ đô Quần đảo Solomon, đề nghị Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon không ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Canberra lo ngại điều này có thể dẫn đến sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở các đảo ở Thái Bình Dương, nơi cách Australia chỉ vài nghìn km.
Trong khi đó, Nhà Trắng hôm 18/4 cho biết một phái đoàn Mỹ cấp cao tới Honiara để thảo luận về những lo ngại liên quan đến Trung Quốc, cũng như việc mở lại một đại sứ quán Mỹ tại đây. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo thỏa thuận an ninh được đề xuất giữa Trung Quốc và Solomon có thể làm tăng bất ổn tại quần đảo này và đặt ra "tiền lệ đáng lo ngại" cho khu vực.
Hôm 19/4, Chủ tịch ủy ban tài khoản công Quần đảo Somolon, ông Douglas Ete nói với quốc hội rằng các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ đến đây vào tháng tới, trong đó hai quốc gia sẽ “ký các thỏa thuận hợp tác đa phương”, thông qua đó tăng cường hợp tác thương mại, giáo dục và thủy sản.
Ông Ete bác bỏ ý tưởng về việc Quần đảo Solomon ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc để thiết lập căn cứ quân sự. Dù vậy, văn phòng Thủ tướng Sogavare chưa xác nhận quan chức Trung Quốc nào sẽ đến Honiara.
Các chuyên gia đánh giá một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon sẽ là bước tiến lớn đối với Trung Quốc trong khu vực mà các đồng minh Australia và New Zealand của Mỹ coi là "sân sau" của họ trong nhiều thập kỷ qua.
Giới quan sát nhận định thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon dường như là phản ứng trực tiếp của Bắc Kinh đối với việc thành lập hoặc hồi sinh các nhóm an ninh lớn hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là thỏa thuận AUKUS giữa Anh, Mỹ và Australia.
Bình luận