Tại cuộc họp báo hôm 14/4, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói: “Chúng tôi tin rằng việc ký kết một thỏa thuận như vậy thực sự làm gia tăng bất ổn cho quần đảo Solomon và có thể tạo tiền lệ tương tự đối với các đảo quốc khu vực Thái Bình Dương rộng lớn. Rõ ràng là chúng tôi lo ngại về điều này".
Động thái này đang làm dấy lên lo ngại của các chuyên gia chính sách đối ngoại rằng quần đảo Solomon có thể trở thành địa điểm hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương, gây ra mối đe dọa đối với Australia.
Hôm 30/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này và quần đảo Solomon đã "ký kết thỏa thuận khung" về hợp tác an ninh song phương.
Dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ cho biết, Trung Quốc sẽ được phép triển khai lực lượng an ninh và hải quân tới quốc đảo Thái Bình Dương khi có khủng hoảng. Trung Quốc cũng có thể thực hiện các chuyến thăm của tàu, bổ sung hậu cần, dừng chân và quá cảnh ở quần đảo Solomon.
Bên cạnh đó, thỏa thuận sẽ cho phép lực lượng vũ trang Trung Quốc triển khai theo yêu cầu của quần đảo Solomon đến quốc đảo này để duy trì "trật tự xã hội". Các lực lượng của Bắc Kinh cũng sẽ được phép bảo vệ "sự an toàn của nhân viên Trung Quốc" và "các dự án lớn ở quần đảo Solomon".
Australia đã và đang đẩy mạnh các nỗ lực để ngăn quần đảo Solomon chính thức ký thỏa thuận này với Trung Quốc. Canberra cử Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Zed Seselja đến quần đảo Solomon để thảo luận về vấn đề này.
Mỹ và Australia từ lâu đã lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân của nước này phát huy sức mạnh vượt xa biên giới của mình.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách đẩy lùi sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hồi tháng 2, Mỹ công bố kế hoạch mở Đại sứ quán tại quần đảo Solomon để tăng cường hợp tác với các đối tác trên chuỗi đảo Thái Bình Dương. Trước đây, Mỹ có đại sứ quán ở thủ đô Honiara, nhưng đã bị đóng cửa vào năm 1993.
Bình luận