Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua phản ứng mạnh mẽ trước việc Indonesia "quấy rối" tàu cá của nước này trên Biển Đông. Theo Bắc Kinh, Hải quân Indonesia nã đạn vào tàu cá Trung Quốc trong vùng biển mà Bắc Kinh gọi là tranh chấp hôm 18/6. Sự việc làm một ngư dân bị thương trong khi tàu cá khác và 7 thành viên thủy thủ đoàn bị bắt, AFP đưa tin.
“Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực quá mức trên Biển Đông”. Bà Hoa còn ngang ngược khẳng định việc Indonesia bắn tàu cá diễn ra trong “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”, nơi “tuyên bố chủ quyền của hai quốc gia chồng lấn”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.
Phía Trung Quốc còn cáo buộc Indonesia vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi Indonesia "ngăn chặn hành động có thể làm leo thang căng thẳng, làm phức tạp thêm vấn đề và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định".
Trước đó, Hải quân Indonesia tuyên bố bắn và bắt giữ 1 tàu cá mang cờ Trung Quốc khi chặn 12 tàu nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển nước này. Hải quân Indonesia bắn nhiều phát súng cảnh cáo khi các tàu nước ngoài bỏ chạy và ép một tàu cá phải dừng lại. Theo phía Indonesia, vụ việc không gây thương vong.
“Tất cả thủy thủ đoàn 7 người trên tàu cá Trung Quốc, bao gồm một phụ nữ, đều an toàn. Họ đang bị tạm giữ tại Ranai. Dù tàu của bất cứ quốc gia nào xâm phạm vùng biển Indonesia, chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động dứt khoát”, ông Edi Sucipto, người phát ngôn Hải quân Indonesia, cho biết.
Đây không phải lần đầu Trung Quốc và Indonesia căng thẳng về vấn đề tranh chấp chủ quyền. Trong tháng 3, Trung Quốc sử dụng tàu Hải cảnh để ngăn chặn chiến hạm Indonesia truy đuổi các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp ngoài khơi Natuna. Sự việc khiến Jakarta phản ứng dữ dội, bao gồm triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối. Indonesia cũng điều chiến đấu cơ F-16 tới sẵn sàng bảo vệ chủ quyền.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước ASEAN. Indonesia không tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nhưng phản đối vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn mà Bắc Kinh đưa ra. Những tháng gần đây, Jakarta cũng thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn tàu các nước ngoài xâm phạm chủ quyền.
Nhằm hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa, bao gồm quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhiều chuyên gia lo ngại Bắc Kinh sẽ tiến hành các hoạt động trên bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm đóng của Philippines.
Trong diễn biến khác, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) dự kiến ngày 7/7 sẽ đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông. Theo giới quan sát, phán quyết của PCA nếu có lợi cho Philippines cũng đồng nghĩa với việc khiến Trung Quốc mất mặt trên trường quốc tế và có thể tạo cho Mỹ nhiều lý do để hỗ trợ đồng minh Philippines. Việc Trung Quốc "phớt lờ" phán quyết của PCA cùng việc nước này quyết định leo thang căng thẳng trên Biển Đông sẽ chỉ dẫn tới sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ tại khu vực, theo chiến dịch thực thi “quyền tự do hàng hải”.
Bình luận