• Zalo

Trung Quốc: Tàu Thần Châu 13 hoàn thành lớp học không gian thứ 2

Khám pháThứ Năm, 24/03/2022 14:30:28 +07:00Google News
(VTC News) -

Trước khi trở về Trái đất vào tháng 4, ba phi hành gia trên tàu Thần Châu-13 của Trung Quốc tổ chức lớp học trực tiếp từ không gian thứ 2.

Đây là một trong hai lớp học trong chuỗi bài giảng trực tiếp từ Thiên Cung - module lõi trạm.

Buổi học bắt đầu lúc 15h44 giờ địa phương ngày 23/3 và kéo dài gần một giờ với sự tương tác giữa ba phi hành gia trên tàu Thần Châu-13 và học sinh đến từ thủ đô Bắc Kinh, thủ phủ Urumqi của Tân Cương và Lhasa của Tây Tạng.

Trung Quốc: Tàu Thần Châu 13 hoàn thành lớp học không gian thứ 2 - 1

Thần Châu-13 hoàn thành lớp học không gian thứ 2. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Phòng học chính đặt tại Bảo tàng Khoa học Công nghệ Trung Quốc ở Bắc Kinh. Trong lớp học đầu tiên, các học sinh của Đặc khu Hành chính Hong Kong và Macao đã tham gia.

Bốn thí nghiệm trong không gian đã được thực hiện tại lớp học thứ hai này, gồm thí nghiệm “quả cầu băng”, tức biến dung dịch thành băng; thí nghiệm trình diễn cầu chất lỏng, tức chất lỏng kết nối hai bề mặt rắn; thí nghiệm phân tách nước và dầu ăn cho thấy trong môi trường vi trọng lực trên không gian nước và dầu không thể tách khỏi nhau và phân tầng như dưới mặt đất; thí nghiệm tung đồ vật cho thấy đồ vật khi được tung ra không rơi xuống mà chuyển động về phía trước với tốc độ không đổi theo hướng ban đầu.

Buổi phát trực tiếp lớp học trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã thu hút khoảng 3,3 triệu lượt xem và hơn 120 triệu lượt thích.  

Theo ông Dương Vũ Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Vận chuyển Không gian của Liên đoàn Du hành vũ trụ Quốc tế, mặc dù một số quốc gia đã thực hiện các bài giảng trên không gian, nhưng chỉ có Trung Quốc và Mỹ thực hiện được việc phát trực tiếp các bài giảng với sự kết nối hai chiều giữa Trái đất và vũ trụ.

Các chuyên gia cho biết, với các lớp học trực tiếp này, khía cạnh quan trọng nhất là khả năng đảm bảo kết nối hai chiều không bị gián đoạn trong một khoảng thời gian khá dài và điều đó sẽ cần đến sự trợ giúp của các vệ tinh chuyển tiếp. Ông Dương Vũ Quang giải thích, với vệ tinh chuyển tiếp Thiên Liên (Tianlian), Trung Quốc đã đạt được độ bao phủ gần 100% Trái đất, do vậy không có giới hạn về thời lượng của các bài giảng.

Trong thời gian ở trên trạm vũ trụ, các thành viên phi hành đoàn Thần Châu-13 đã hoàn thành hơn 20 thí nghiệm khoa học. Các thí nghiệm này liên quan đến công nghệ mới để theo dõi sức khỏe phi hành gia, các kiến ​​thức khoa học mới và khám phá mới cũng như thu thập dữ liệu.

Trước đó, lớp học trực tuyến đầu tiên do phi hành đoàn tàu Thần Châu-13 thực hiện từ trạm vũ trụ của Trung Quốc dành cho các học sinh trên Trái đất được tổ chức vào ngày 9/12/2021. Ba phi hành gia gồm Trác Chí Cương, Vương Á Bình và Diệp Quang Phú đã theo tàu Thần Châu-13 lên không gian với nhiệm vụ xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc từ tháng 10 năm ngoái. Họ dự kiến ​​sẽ hoàn thành thời gian dài kỷ lục 6 tháng trên quỹ đạo và trở về Trái đất vào tháng 4.

Bích Thuận(VOV-Bắc Kinh)
Bình luận
vtcnews.vn