Mặc dù tuyên bố dịch COVID-19 nằm trong tầm kiểm soát, song số lượng người bệnh ở Trung Quốc vẫn tăng mạnh trong tháng 1. Theo số liệu vừa được Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia nước này công bố, chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2021, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tới 2016 ca COVID-19 trong cộng đồng, đạt kỷ lục về số bệnh nhân tăng thêm chỉ trong một tháng kể từ tháng 3/2020 đến nay.
Hiện tình hình dịch cộng đồng ở nước này vẫn chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Thống kê ngày 31/1 cho thấy, Trung Quốc lại có thêm 73 trường hợp COVID-19 bản địa.
Dịch chủ yếu bùng phát ở các tỉnh, thành phía Bắc, nơi có mùa Đông lạnh giá và khu vực nông thôn của Trung Quốc. 60%-70% số bệnh nhân tập trung ở khu vực này, trong khi nhận thức của người dân nơi đây về dịch chưa cao. Nhiều người cho rằng bản thân chỉ bị cúm và tự mua thuốc về uống, khiến bệnh tình thêm nặng và dịch bệnh lan rộng nhanh chóng.
Ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc cảnh báo: “COVID-19 có một đặc điểm không giống SARS, người nhiễm virus có thể không có triệu chứng, nhưng lại có khả năng lây lan rõ rệt. Nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy, 5 ngày trước và sau khi nhiễm đều lây mạnh”.
Hiện Trung Quốc đã tiêm xong vaccine cho hơn 24 triệu người, tuy nhiên chuyên gia này khuyến cáo người dân sau khi tiêm phòng vẫn phải đeo khẩu trang và có các biện pháp tự bảo vệ. Bởi theo ông, khi hoàn thành mũi tiêm thứ nhất, kháng thể chỉ đạt khoảng 60%, 70%, sau mũi thứ 2 mới đạt gần 90%. Ngoài ra, sau khi tiêm ít nhất 2-3 tuần cơ thể mới sản sinh kháng thể, trong thời gian đó người tiêm vẫn có nguy cơ lây bệnh.
Ông Chung Nam Sơn còn cho biết, lượng kháng thể của những người đã tiêm vaccine ở Trung Quốc vẫn đạt mức 90% sau khoảng 7, 8 tháng.
Liên quan đến dịch bệnh trên thế giới, theo ông, sẽ phải đợi đến sau tháng 3 mới có thể kết luận về xu hướng phát triển của dịch toàn cầu. Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng, cùng với việc tiêm vaccine ngày càng nhiều, tình hình dịch sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Bình luận