Bắc Kinh lo ngại Tòa án quốc tế bác bỏ đường 9 đoạn và vị trí pháp lý của các đảo đá ở Biển Đông.
Vụ Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc tại Tòa trọng Tài quốc tế về luật biển sắp đi đến hồi kết. Trung Quốc một mặt nói “cứng” là nước này không bị ràng buộc bởi phán quyết của Tòa, mặt khác tìm mọi cách tránh khỏi vòng lao lý quốc tế. Trung Quốc vận động Philippines rút đơn kiện để đổi lấy những hậu đãi kinh tế thương mại, tín dụng.
Vận động không thành thì quay sang gây sức ép ở ngoài biển, bao vây hoặc xua đuổi ngư dân Philippines, gần đây lại muốn thực hiện bồi đắp đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham vốn do Philippines kiểm soát. Gần đây lại đánh tiếng đe dọa rút khỏi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Trung Quốc sợ bị thua kiện
Mạng Bình luận Trung Quốc, ngày 20/3, thừa nhận ở mức độ nào đó, Philippines sẽ thành công trong việc yêu cầu Tòa có giải thích cặn kẽ về vị trí pháp lý của các đảo đá trên Biển Đông cũng như phần nào ủng hộ yêu sách của Phillipines.
Ngoại trưởng Albert del Rosario trình bày các nội dung khiếu kiện của Philippines trước Tòa trọng tài La Haye |
Giới học giả Trung Quốc tranh luận liệu Trung Quốc có nên rút khỏi Công ước 1982 hay không.
Một bộ phận cho rằng Trung Quốc cần rút khỏi Công ước, với lý do Công ước không thể bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Rút khỏi Công ước sẽ tránh cho Trung Quốc những ràng buộc và đeo bám về pháp lý mà Philippines dựa vào để gây phiền phức cho Trung Quốc. Vụ kiện này làm cho Trung Quốc rơi vào thế bị động khi Tòa trọng tài dựa vào Công ước để giải quyết xung đột trên Biển Đông.
Để hỗ trợ cho lập luận của mình, Trung Quốc còn bỏ tiền ra thuê các cây bút quốc tế tung ra quan điểm “nên rút” nhằm gây sức ép lên Tòa trọng tài quốc tế về luật biển.
Một số học giả Trung Quốc khác lại cho rằng Trung Quốc không nên rút khỏi Công ước do việc này cho thấy Trung Quốc thiếu tính nhất quán, tạo nên hình ảnh xấu trong cộng đồng quốc tế, nhất là khi Trung Quốc đang muốn làm nước lớn “có trách nhiệm”, việc không tuân thủ trật tự quốc tế hiện hành sẽ gây ra những hậu quả chính trị nghiêm trọng cho Trung Quốc.
Hội đồng thẩm phán của Tòa trọng tài thụ lý vụ kiện của Philippines |
Việc rút khỏi Công ước cũng không giúp Trung Quốc giải quyết tranh chấp với Philippines và bảo vệ được lợi ích biển của mình; càng không nói đến một loạt các tác động xấu khác như Trung Quốc sẽ thiếu cơ sở pháp lý khi xử lý các sự vụ liên quan đến biển. Ngoài ra, trong xử lý tranh chấp biển giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Công ước phần nào phát huy tác dụng. Do vậy từ bỏ Công ước sẽ khiến Trung Quốc rất bị động về mặt pháp lý. Từ chối mọi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông mới là “thượng sách” (!).
Mạng Bình luận Trung Quốc cho rằng, tạm thời Trung Quốc không cần thiết rút khỏi Công ước; Trung Quốc cần giữ tiếng nói và quyền chủ đạo của Trung Quốc trong quá trình hoàn thiện hệ thống luật pháp quốc tế, có như vậy mới có thể để hệ thống luật quốc tế trở thành công cụ ổn định tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp biển.
Video: Video Trung Quốc hành động ngang ngược
Thực ra, điều Bắc Kinh lo ngại nhất là Tòa sẽ bác bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn mà nhà đương cục Trung Quốc đưa ra một cách hàm hồ. Ngay cả giới bồi bút quốc tế của Trung Quốc cũng không thể bênh vực “chính chủ” về cơ sở pháp lý của đường 9 đoạn này.
Tòa cũng có thể đưa ra các phán quyết liên quan đến tính pháp lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây đắp một cách phi pháp ở Biển Đông. Tòa trọng tài cũng không muốn “già néo đứt dây” nên đã khoanh cuộc xét xử vào 7 trong số 15 vấn đề Philippines nêu trong đơn kiện.
Ngay dù như vậy, phán quyết của Tòa sẽ tác động lớn đến cuộc đấu tranh pháp lý, hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Họ “sinh sự” ắt “sự sinh”. Trung Quốc “sợ kiện” vì hành động của họ ở Biển Đông là phi lý.
Nguồn: Tổ Quốc
Bình luận