Giới quan sát cho rằng, lâu nay, nội các Mỹ vốn được cho là sự kết hợp giữa những người có quan điểm “diều hâu” và những người mềm mỏng hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Sự kết hợp này được cho là cần thiết để Biden nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, qua đó nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện đối với danh sách thành viên nội các mới.
Trước mắt, đại dịch COVID-19 và kinh tế sẽ là chủ đề được ông Biden ưu tiên, thành lập nhóm điều phối để giải quyết. Thế nhưng, giới phân tích cho rằng, cách tiếp cận của ông Biden đối với Trung Quốc sẽ là vấn đề đối ngoại được quan tâm, đồng thời nhận định Bắc Kinh sẽ tìm cách hàn gắn quan hệ với Washington dưới thời ông Biden.
Trong chiến dịch vừa qua, ông Biden đã gửi đi những tín hiệu trái ngược về Trung Quốc. Tháng 3/2019, bác bỏ quan điểm rằng Mỹ nên lo ngại về đối thủ chính trị Trung Quốc, ông Biden cho rằng “đây không phải là một cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington”.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng cho thấy ý định cứng rắn với Trung Quốc khi chỉ trích Bắc Kinh vì các hành động ở Hong Kong, gọi các chính sách của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo thiểu số ở khu vực Tân Cương là "vô lương tâm".
Trong khi căng thẳng giữa hai siêu cường được dự báo sẽ tiếp diễn, các nhà phân tích Trung Quốc cho biết các lựa chọn của Biden cho các vị trí trong chính phủ sẽ được Bắc Kinh quan sát chặt chẽ để đưa ra các dự báo về đối sách trong thời gian tới.
Người đứng đầu cho vị trí ngoại trưởng được cho là Susan Rice, người từng là Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama. Bà Rice có quan hệ làm việc chặt chẽ với ông Joe Biden. Trước đó, bà được dự báo trở thành người đồng hành cùng ông Biden trong chiến dịch tranh cử với vai trò ứng viên đề cử cho vị trí Phó Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, việc đề cử bà Rice vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải đối mặt với thách thức nếu đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Thượng viện. Bà Rice từng chỉ trích gay gắt đảng Cộng hòa về việc xử lý vụ tấn công khủng bố năm 2012 vào khu nhà ngoại giao của Mỹ ở Benghazi, Libya.
Mặc dù các nhà ngoại giao và chuyên gia chính sách đối ngoại ở châu Á cho rằng, bà Rice thiếu hiểu biết về khu vực này, nhưng các nhà phân tích Trung Quốc nhận định nhiều khả năng bà sẽ cố gắng thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh.
Wang Yong, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Bà Rice là người ôn hòa và bà ấy thấy giá trị của việc hợp tác với Trung Quốc. Hai nước cần tiếp tục đối thoại và đạt được đồng thuận nhất định”, ông Wang Yong nói.
Tuy nhiên, đề cử tiềm năng của Biden cho người đứng đầu Lầu Năm Góc - Michele Flournoy, từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong chính quyền Obama, có thể gây ra lo ngại cho Bắc Kinh. Trên tờ Foreign Affairs, Michele Flournoy cho biết nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc giờ đây cao hơn so với hàng thập kỷ trước.
Đồng thời, Michele Flournoy cũng đề xuất Mỹ cần phải ngăn chặn Trung Quốc trong khu vực bằng cách mở rộng khả năng quân sự, sẵn sàng “răn đe, đánh chìm tất cả các tàu quân sự, tàu ngầm và tàu buôn của Trung Quốc ở Biển Đông trong vòng 72 giờ”.
Gương mặt đáng chú ý, từng đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Ngoại giao trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của Obama là Antony Blinken. Antony Blinken được cho là ứng viên vào hai vị trí Ngoại trưởng Mỹ và Cố vấn an ninh quốc gia.
“Bà Rice và Blinken muốn duy trì sự lãnh đạo của Mỹ trong trật tự thế giới tự do và xây dựng liên minh để cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng Michele Flournoy sẽ là người có quan điểm đối đầu với Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Cần theo dõi những tiếng nói diều hâu trong đảng Dân chủ và xem ảnh hưởng của họ đến quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ”, Wang Yong nói.
Phát biểu hồi đầu năm về các ưu tiên của mình, Biden gọi Trung Quốc là một "thách thức đặc biệt" và nói rằng ông sẽ có các chính sách tốt hơn Trump để đối phó với Trung Quốc.
“Cách hiệu quả nhất để đối mặt với thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Washington để đối đầu với các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, ngay cả khi tìm cách hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề mà lợi ích hai bên hội tụ như biến đổi khí hậu, an ninh y tế toàn cầu”, ông Biden cho hay.
Theo Shen Dingli, một chuyên gia quan hệ quốc tế có trụ sở tại Thượng Hải, sự nhất trí của lưỡng đảng về việc đưa ra đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục, bất kể ai được bổ nhiệm vào nội các Mỹ.
“Nước Mỹ ngày nay nhìn thấy một Trung Quốc rất khác so với khi Obama nhậm chức. Biden sẽ cần phải có một cách tiếp cận khác với Obama dựa trên sự đồng thuận của lưỡng đảng như hiện nay", Shen Dingli nhận định.
Bình luận