• Zalo

Trung Quốc ngày càng làm quá, các nhà đầu tư ở thế tiến thoái lưỡng nan

Thời sự quốc tếThứ Tư, 31/03/2021 10:57:14 +07:00Google News
(VTC News) -

Các công ty nước ngoài kinh doanh tại Trung Quốc đối mặt với hai lựa chọn, tránh bình luận về chủ đề tranh cãi hoặc có nguy cơ mất quyền tiếp cận thị trường tỷ dân.

Trong vài tuần qua, dư luận Trung Quốc kêu gọi tẩy chay H&M và một loạt thương hiệu quốc tế vì tuyên bố không mua bông Tân Cương của họ. Hôm 30/3, Chủ tịch Tập Cận Bình ký sắc lệnh cải cách bầu cử Hong Kong nhằm đảm bảo chỉ "những người yêu nước" điều hành thành phố này. 

Các hành động cứng rắn gần đây của Trung Quốc - một phần do sức ép từ Mỹ và đồng minh đang buộc các công ty cân nhắc nên làm gì để duy trì khả năng tiếp cận 1,4 tỷ người tiêu dùng đang ngày càng "bạo chi" hơn. 

Cho tới nay, khi tốc độ tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới ở mức thấp do tác động của đại dịch, nhiều công ty đang đẩy mạnh đầu tư vào Trung Quốc. 

Trung Quốc ngày càng làm quá, các nhà đầu tư ở thế tiến thoái lưỡng nan - 1

H&M và nhiều thương hiệu nước ngoài đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Theo Giáo sư luật Margaret Lewis từ Đại học Seton Hall, Mỹ, các công ty trước đây có thể dễ thở hơn khi hoạt động ở Trung Quốc. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi. 

"Bạn sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan là ở lại hoặc rút lui. Điểm trung gian giữa hai lựa chọn này càng khó xác định", ông Lewis cho hay. 

Ông Joerg Wuttke - người đứng đầu Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho rằng chiến lược tốt nhất với các thương hiệu đang phải hứng chịu làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc như H&M hiện tại là chờ cho tới khi làn sóng này qua đi. 

Khi bị người tiêu dùng Trung Quốc quay lưng, trang web của một số nhãn hàng bắt đầu rút các tuyên bố về Tân Cương khỏi website của họ. 

"Đó là một bức tranh phức tạp. Một mặt Trung Quốc cứu vãn một số công ty vào năm ngoái. Đồng thời, các công ty phải chịu áp lực chính trị đang đè lên mình. Một lần nữa, những chủ đề như Tân Cương trở thành một tình huống không có lợi", ông Wuttke cho hay. 

Nhiều công ty nước ngoài có quan hệ tốt đang mở rộng sự hiện diện của họ. Lĩnh vực tài chính của Hong Kong cũng đang bùng nổ sau làn sóng IPO (phát hành cổ phiếu công khai lần đầu) và các thương vụ niêm yết qua công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Các đợt chào bán công khai đầu tiên ở Hong Kong đạt gần 11 tỷ vào giữa tháng 3, tăng gần 500% so với một năm trước. 

Citigroup có trụ sở ở New York đang lên kế hoạch thuê 1.700 nhân viên tại Hong Kong để tìm cách khai thác các mối liên kết ngày càng tăng giữa trung tâm tài chính này và các thành phố phía nam đại lục như Quảng Châu và Thâm Quyến.

Tuy nhiên, với một số công ty tư vấn luật quốc tế, môi trường làm việc ở Hong Kong phức tạp hơn nhiều. Các biện pháp trừng phạt trả đũa của Trung Quốc lên một số cá nhân và tổ chức của Anh Anh, bao gồm Phòng Tòa án Essex có thể ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư. 

Financial Times cho biết sau khi bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, Phòng Tòa án Essex (Anh) đã xóa tài liệu tham khảo về ý kiến pháp lý của một số luật sư liên quan tới vấn đề nhân quyền ở Tân Cương trên trang web của mình. 

Tờ Hoàn cầu Thời báo nói hành động này cho thấy lệnh trừng phạt của Bắc Kinh là một “biện pháp răn đe hiệu quả". 

Nhưng ông Guy Sandhurst, cựu chủ tịch của Bar of England và Wales, động thái này sẽ ảnh hưởng tới tất cả các công ty Anh làm ăn với khách hàng Trung Quốc vì các luật sư tham gia giải quyết tranh chấp cho các công ty Hong Kong có thể bị làm khó. 

Ông kêu gọi phương Tây kiên định với các cơ chế giải quyết tranh chấp bên ngoài Trung Quốc đối với tất cả các hợp đồng trong tương lai. 

"Hôm nay, các thành viên của Phòng Tòa án Essex bị trừng phạt. Nhưng ngày mai có thể là bất cứ công ty luật nào ở các thành phố lớn khác hoặc các phòng luật sư có các tuyên bố đối đầu với Trung Quốc", ông Sandhurst cho hay. 

Song Hy(Nguồn: Bloomberg)
Bình luận
vtcnews.vn