"Một số quốc gia ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ đã gửi một lượng lớn vũ khí chiến lược tới khu vực, đặc biệt là Biển Đông để phô trương sức mạnh quân sự và gây sức ép lên các nước trong khu vực, bao gồm Trung Quốc", ông Vương Nghị nhấn mạnh trong một cuộc họp báo bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 tại Singapore.
"Tôi e rằng đó là tác động lớn nhất buộc Trung Quốc phải quân sự hóa trên Biển Đông", Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm.
Ông Vương khẳng định Trung Quốc cũng như các nước khác trong khu vực phải tự bảo vệ mình và thiết lập các cơ sở phòng thủ để tự vệ khi đối mặt với các mối đe dọa và sức ép quân sự từ các hạm đội tàu sân bay, máy bay ném bom hạng nặng chiến lược và nhiều khí tài tiên tiến khác.
Mặc dù không chỉ đích danh, ông cáo buộc một số nước ngoài khu vực cố gắng gây rối tại hội nghị ngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á, hội nghị của ASEAN và các nước không phải thành viên bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.
Trả lời phỏng vấn kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết: ASEAN kiên trì giữ vững lập trường nguyên tắc về các vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực như Biển Đông. Dù mức độ quan tâm khác nhau, các nước đều nhất trí những nguyên tắc cơ bản, cùng thảo thuận về quan điểm đối với các vấn đề trên thực địa cũng như về đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cho đến nay, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một văn bản dự thảo duy nhất đàm phán về COC được các Bộ trưởng ghi nhận, làm cơ sở tiếp tục đàm phán về COC.
Tại cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM-51) với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Kumar Singh khẳng định Ấn Độ ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở Luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC và sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả.
Chiều 02/8/2018, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 và các Hội nghị liên quan đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với 04 đối tác (PMC+1) Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, và New Zealand các bộ trưởng chia sẻ quan ngại về diễn biến tình hình Biển Đông, với các hoạt động quân sự hóa làm xói mòn lòng tin và gây nguy hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định ở khu vực.
Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Các Bộ trưởng nhất trí cần thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và nỗ lực sớm hoàn tất xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc.
Video: Máy bay Trung Quốc diễn tập cất, hạ cánh tại đường băng ở quần đảo Hoàng Sa
Trung Quốc nhiều năm trở lại đây liên tục gia tăng các hoạt động quân sự hóa tại các đảo mà nước này bồi đắp và xâm lấn trái phép trên Biển Đông. Các động thái triển khai tên lửa, máy bay, hệ thống tác chiến điện tử của Bắc Kinh lên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt.
Hôm 1/8, Washington đã thông qua một dự luật chính sách quốc phòng mà theo một số chuyên gia nhận định là cứng rắn nhất trong lịch sử đối với Trung Quốc. 2 trong số các điều khoản đáng chú của dự luật này là thắt chặt việc đánh giá vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ trong các thương vụ có yếu tố Trung Quốc và yêu cầu Quốc hội Mỹ hàng năm phải có báo cáo "về các hoạt động quân sự và đe dọa" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bình luận