• Zalo

Trung Quốc ngang ngược cấm biển: 'Đưa ra cơ quan tài phán quốc tế'

Thời sựThứ Bảy, 23/05/2015 12:52:00 +07:00

Việt Nam cần có hành động để chứng tỏ việc làm của Trung Quốc là phi lý, thiêu căn cứ, xâm phạm chủ quyền.

(VTC News) - Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển Việt Nam cho rằng cần đưa những hành động phi lý của Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế.

Luật sưHoàng Ngọc Giao
Trao đổi với PV VTC News, Tiến sỹ - luật sư Hoàng Ngọc Giao (Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho rằng, phía Việt Nam cần có những hành động sớm nhất để chứng tỏ việc làm trên của Trung Quốc là vô lý, không tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

- Thưa luật sư, ông có quan điểm thế nào về lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông mà Trung Quốc vừa đơn phương tuyên bố?

Như chúng ta đã biết, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt bắt cá trên biển Đông. Họ đã nhiều lần đơn phương đưa ra lệnh cấm này trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phía Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ các chứng cứ lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền. Và trên thực tế, chúng ta đang thực hiện quyền quản lý trên hai quần đảo này, nên đây là lệnh cấm hết sức vô lý và không có giá trị đối với ngư dân Việt Nam khi khai thác trên vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta.

Video: Tàu cá ngư dân Việt bị tàu Trung Quốc tấn công


- Như vậy, hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế?

Việc phía Trung Quốc ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Theo quy định tại Công ước Luật Biển năm 1982, quốc gia ven biển có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để đo chiều rộng lãnh hải nước mình.

Trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý mọi tài nguyên thiên nhiên, cũng như đối với các hoạt động khác ở đó.

 Tàu hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam vào tháng 7/2014 (Ảnh: Minh Chiến)

Cũng theo Công ước Luật Biển năm 1982, quốc gia ven biển có thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý và có quyền mở rộng thềm lục địa của mình đến 350 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500 mét (đường nối các điểm có độ sâu 2.500 mét ở biển) theo đúng trình tự mà Công ước đã quy định. Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa của mình.

Phù hợp với các quy định đó của Công ước, Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý ở Biển Đông.

Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 nên lệnh cấm của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở.

 -
Chính phủ Việt Nam nên có động thái nào để thể hiện rõ quan điểm cũng như tuyên về chủ quyền của mình?

Theo tôi, Chính phủ Việt Nam nên xem xét kịp thời để đưa vấn đề này ra các cơ quan tài phán quốc tế. Việc đưa những hành động phi lý của Trung Quốc ra cộng đồng quốc tế sẽ rất có lợi cho Việt Nam.

Việt Nam đưa vấn đề này ra các cơ quan tài phán quốc tế để thấy rằng những tuyên bố của Việt Nam về vấn đề chủ quyền biển đảo là có căn cứ pháp lý.

Thời gian vừa qua, Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm bản lĩnh, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng các biện pháp pháp lý.

Việc đưa sự việc ra các cơ quan tài phán quốc tế sẽ chứng minh Chính phủ Việt Nam, dân tộc Việt Nam luôn luôn sống theo pháp luật, làm theo pháp luật. Tinh thần thượng tôn pháp luật luôn được đề cao trong chính sách đối ngoại hòa bình của Việt Nam. 

- Trung Quốc đã nhiều lần đơn phương tuyên bố lệnh cấm vô lý, ông bình luận gì về điều này?

Mặc dù Trung Quốc thường xuyên tuyến bố quan hệ giữ hai nước Việt – Trung duy trì trên quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tuy nhiên những hành động của Trung Quốc trên thực tế lại đi ngược với điều này. 

Có thể nói rằng, Trung Quốc nói một đằng nhưng làm một nẻo. Trên thực tế, họ đang bồi đắp các đảo, bãi đá ở Trường Sa một cách rất khẩn trương trong những tháng vừa qua. Ngoài ra, phải kể đến hành vi đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hành động đưa ra lệnh cấm lần này càng chứng tỏ bản chất chính sách đối ngoại của Trung Quốc là xâm lấn biển Đông bất chấp những kêu gọi về quan hệ hòa bình, hữu nghị.

- Trung Quốc đang thực hiện mưu đồ gì sau hành động này, thưa ông?

Đây là một bước tiếp nối trong hàng loạt những hành vi có tính chiến thuật, chiến lược xâm lấn biển Đông của phía Trung Quốc để thực hiện mưu đồ chiếm trọn biển Đông. Những hành động sai trái của Trung Quốc diễn ra nhiều lần, liên tiếp, nghiêm trọng.

 

Hành động đưa ra lệnh cấm lần này càng chứng tỏ bản chất chính sách đối ngoại của Trung Quốc là xâm lấn biển Đông bất chấp những kêu gọi về quan hệ hòa bình, hữu nghị.
 
- Trên thực tế, sau khi đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt, Trung Quốc đã nhiều lần bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam, hành hung ngư dân. Chúng ta cần làm gì để bảo vệ ngư dân, giúp họ an tâm bám biển?

Chúng ta phải có những hành động để đáp trả phía Trung Quốc, để phản bác lại những lệnh cấm vô lý, thiếu căn cứ, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đưa ra.

Cần thực hiện những biện pháp mang tính quốc nội như hỗ trợ ngư dân về nhiều mặt. Trong đó, hỗ trợ về cơ sở vật chất để ngư dân ra khởi bám biển. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản, tính mạng cho ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển. 

- Ngoài việc Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở biển Đông và gọi lệnh cấm này là vô giá trị, chúng ta nên có hành động nào cụ thể?

Theo tôi, lực lượng cảnh sát biển phải thường xuyên xuất hiện ở khu vực mà Trung Quốc đang đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh bắt, vừa để hỗ trợ ngư dân Việt Nam, vừa để chứng minh sự vô lý của Trung Quốc khi thực hiện lệnh cấm này. Ngoài việc phản bác bằng các tuyên bố ngoại giao, chúng ta cần có những hành động cụ thể trên vùng biển thuộc chủ quyền dân tộc.

Sự hỗ trợ về thông tin liên lạc cho ngư dân là rất cần thiết. Ngoài ra, việc ghi lại những hình ảnh chứng minh việc Trung Quốc ngang ngược ở vùng biển của Việt Nam để công bố mạnh mẽ trước bạn bè quốc tế là việc rất cần thiết. 

Hỗ trợ ngư dân đóng tàu thuyền lớn ra khơi bám biển. Chúng ta đã tuyên bố lệnh cấm là bất hợp pháp, không có giá trị vậy thì bằng hành động chúng ta phải thể hiện rõ quan điểm đó. 

Về đường lối đối ngoại, chúng ta phải đưa những vấn đề này ra các diễn đàn quốc tế. Phải làm mạnh, quyết liệt để chứng tỏ sự phi lý của Trung Quốc trước những hành động đó.

- Xin cảm ơn ông!

Ngày 16/5, Chính quyền nhân dân thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam thông báo “Phương án thực thi công tác quản lý mùa nghỉ đánh bắt trên biển của Thành phố Hải Khẩu năm 2015”. 

Theo đó cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8 trong phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm vịnh Bắc Bộ)

Hà Minh (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn