Hôm 4/2, Mỹ cho biết máy bay chiến đấu của nước này đã bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Washington trước đó cho rằng, đây là "hành động không thể chấp nhận được" của Bắc Kinh đối với chủ quyền của Mỹ.
Bắc Kinh phản đối động thái từ phía Mỹ, cho rằng đó là khinh khí cầu dân sự. Hôm 5/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh.
“Hành động của Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng và làm tổn hại đến nỗ lực và tiến bộ của cả hai bên trong việc ổn định quan hệ Mỹ - Trung kể từ cuộc gặp cấp cao ở Bali”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong cho biết trong công hàm phản đối, đề cập đến cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11 năm ngoái ở Indonesia.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm, nước này "theo dõi sát diễn biến tình hình" và "tuyên bố quyền đưa ra các phản ứng cần thiết".
Trước đó, Lầu Năm Góc cho biết một vật thể nghi là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đi vào không phận ở miền bắc nước Mỹ và được cho là di chuyển qua các địa điểm nhạy cảm ở Mỹ. Hôm 3/2, khinh khí cầu được phát hiện ở không phận Missouri và di chuyển về phía Bờ Đông.
Sự xuất hiện của khinh khí cầu khiến Ngoại trưởng Antony Blinken hủy chuyến thăm dự kiến tới Bắc Kinh.
Hôm 5/2, quân đội Mỹ tiến hành tìm kiếm tàn tích của khinh khí cầu do thám của Trung Quốc mà họ đã bắn hạ. Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ tư lệnh Phòng thủ Hàng không vũ trụ Bắc Mỹ và Bộ tư lệnh phương Bắc của Mỹ (NORTHCOM) cho hay, hải quân nước này đang thu nhặt các mảnh vỡ khinh khí cầu. Trong khi đó, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đang đảm bảo an ninh cho hoạt động này.
Lầu Năm Góc cũng cho biết, khinh khí cầu do thám thứ hai của Trung Quốc đã bị phát hiện, lần này là trên bầu trời Mỹ Latinh.
Fox News hôm 5/2 dẫn nguồn cho biết nhiều “khinh khí cầu do thám Trung Quốc” đã đi qua không phận Mỹ trong nhiều tháng và nhiều năm trước sự việc gần đây.
Bình luận