(VTC News) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang nhiên cho rằng việc xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của nước này.
Trong cuộc họp báo hôm qua (9/9), trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nước này xây đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Ngoại giao Hoa Xuân Oánh lớn tiếng cho rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và các đảo lân cận.
Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang gấp rút xây dựng công trình trên đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 1988) |
Trả lời về việc hãng tin BBC của Anh nói Trung Quốc đang gấp rút xây dựng công trình quy mô lớn ở Gạc Ma, Hoa Xuân Oánh trắng trợn nói rằng mục đích của việc xây dựng các đảo nhân tạo là 'nhằm cải thiện điều kiện sống và việc làm cho các nhân viên sinh sống trên đảo'.
Theo tạp chí quân sự Kanwa, Canada, hòn đảo này được Trung Quốc đổ thêm bê tông để biến thành đảo nhân tạo có diện tích bằng 17 sân bóng đá (khoảng 1.700m). Những bức ảnh được Hoàn Cầu thời báo Trung Quốc đăng tải cho thấy công việc xây dựng đang gấp rút diễn ra.
Toàn bộ hòn đảo có chiều dài 5.000m, rộng 400m, giới phân tích cho rằng Trung Quốc toan tính biến Gạc Mathành cơ sở không quân.
Theo tính toán của Hoàn Cầu thời báo, đảo Gạc Ma cách TP.HCM 830km; cách Manila 890km; cách eo biển Malacca, cửa ngõ Biển Đông khoảng 1.500km. Nếu Trung Quốc cho xây đường băng dài 2.000m trên đảo Gạc Ma, các chiến đấu cơ Su-30; J-10; J-11 sẽ có khả năng tác chiến vươn tới tận Malacca.
Thậm chí toàn bộ miền Nam Việt Nam cũng nằm trong phạm vi tấn công của các chiến đấu cơ này.
>> Có đường băng trên đảo Gạc Ma, chiến đấu cơ Trung Quốc vươn tới toàn miền Nam VN
Theo Hoàn Cầu thời báo, Trung Quốc đang tập trung xây dựng nhiều công trình ở phía Tây đảo Gạc Ma, có chiều dài lên đến 4.04km.
Trung Quốc một lần nữa lộ rõ toan tính, mưu đồ làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông khi ngang nhiên cho xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Đây được xem là hành động ngang ngược làm gia tăng căng thẳng ở khu vực bất chấp sự phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan.
Trước đó, hôm 2/9, nước này đã khai trương tuyến du lịch đầu tiên khởi hành từ cảng Tam Á ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với 200 hành khách. Truyền thông Trung Quốc sau đó đăng tải nhiều ảnh cho thấy nhóm du khách tham quan, bơi lặn gần Hoàng Sa.
Trung Quốc tự vẽ ra đường 9 đoạn đứt khúc, hay còn gọi là 'đường lưỡi bò', tuyên bố chủ quyền hơn 90% diện tích trên Biển Đông mà không hề có căn cứ pháp lý nào.
Ngày 4/9/2014, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc khai trương tuyến du lịch biển khởi hành từ thành phố Tam Á (thuộc tỉnh Hải Nam) đến quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc khai thác du lịch ở khu vực này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc cũng như tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái này”.
Ông Lê Hải Bình cũng nhiều lần nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng cho thấy quyền chủ quyền, quyền tài phán với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mọi việc làm của Trung Quốc ở hai quần đảo này là vô giá trị.
Tố Ngôn(theo Huanqiu.com)
Bình luận