• Zalo

Trung Quốc hoảng hốt với lời tiên tri bi quan của tỷ phú Mỹ

Kinh tếThứ Bảy, 30/01/2016 10:34:00 +07:00Google News

Có vẻ như những dự đoán bi quan của nhà tỷ phú đầu cơ nổi tiếng George Soros về tương lai của kinh tế Trung Quốc đang dần trở thành sự thực.

Có vẻ như những dự đoán bi quan của nhà tỷ phú đầu cơ nổi tiếng George Soros tại diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos về tương lai của kinh tế Trung Quốc đang dần trở thành sự thực.

Nhà đầu cơ nổi tiếng thế giới này đã dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ có một cú hạ cánh cứng và không loại trừ khả năng rơi vào một cuộc khủng hoảng, mà chìa khóa chính là tỷ giá của đồng nhân dân tệ.

Nhưng khi mà cả thế giới vẫn còn đang bán tín bán nghi trước nhận định này của Soros thì chính phủ Trung Quốc lại tự biến nó thành một câu chuyện ngày càng đáng tin, khi hàng loạt các tờ báo lớn như Tân hoa xã hay thời báo Hoàn cầu chỉ trích Soros âm mưu chống lại kinh tế Trung Quốc thông qua việc công kích đồng nhân dân tệ.

Sự việc này đang cho thấy Trung Quốc đang thiếu tự tin hơn bao giờ hết về vận mệnh đồng nội tệ của mình, khi mà nước này đang nối gót Nga đối mặt với nguy cơ khủng hoảng.
Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang có rất nhiều điểm tương đồng với kinh tế Nga cách đây hơn 1 năm, khi các lệnh trừng phạt kinh tế được các nước phương Tây đưa ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi đầu năm 2014.

Các quan hệ kinh tế và thương mại giữa Nga và các nước phương Tây gồm Mỹ và EU nhanh chóng bị cắt đứt, dẫn đến việc các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút hết vốn khỏi thị trường Nga để chuyển về nước.

Việc một lượng lớn USD bị rút khỏi thị trường trong một thời gian ngắn đẩy Nga rơi vào cảnh lạm phát phi mã, hệ thống kinh tế bị đình đốn do quan hệ kinh tế với Mỹ và EU bị đứt đoạn, tiêu dùng giảm sút và tăng trưởng thì rơi vào trì trệ.


Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, chính phủ Nga còn tiếp tục đổ USD từ quỹ dự trữ ngoại tệ ra thị trường để bình ổn tỷ giá đồng Rup; nhưng khi mà đồng nội tệ này mất giá quá mạnh, có lúc sụt giảm lên đến hơn 50% so với đồng USD, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quỹ dự trữ ngoại tệ của Nga, thì Ngân hàng trung ương Nga không còn cách nào khác ngoài việc cưỡng bách tăng lãi suất lên mức rất cao để kiểm soát lạm phát, từ 10,5% lên 17%. Cuộc khủng hoảng kinh tế chấm dứt, nhưng cái giá mà Nga phải trả là suy giảm tăng trưởng lên đến 3,8% trong năm 2015, tức một năm sau khi tăng lãi suất.

Trung Quốc ở thời điểm hiện tại cũng đang trải qua tình trạng tương tự. Theo thống kê, hơn 1000 tỷ USD đã được các nhà đầu tư rút khỏi thị trường Trung Quốc trong năm 2015. Chủ yếu là do nền kinh tế nước này đã tăng trưởng chậm lại, tổng cầu thị trường nội địa giảm trong khi chi phí nhân công thì đã tăng lên quá cao, gấp khoảng 3 lần so với các nước láng giềng như Việt Nam hay Myanmar, khiến các nhà đầu tư rút vốn và tìm địa điểm đầu tư mới.

Cùng với đó là việc ngày càng có nhiều người Trung Quốc chuyển tiền ra khỏi nước này vì nhiều lý do, từ lý do đầu tư kinh doanh ra nước ngoài cho đến chuyển tiền không lý do và bất hợp pháp. Thống kê chính thức thì có khoảng 61 tỷ USD được các công ty Trung Quốc bỏ ra để thực hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài trong năm 2015, còn con số chuyển tiền bất hợp pháp của người dân thì không thể tính toán được.


Việc một lượng quá lớn USD bốc hơi khỏi thị trường Trung Quốc chỉ trong vòng một năm đang đẩy nền kinh tế số hai thế giới lâm vào tình cảnh tương tự như Nga hồi cuối năm 2014.

Áp lực tỷ giá đối với đồng nhân dân tệ thời điểm hiện tại đang lớn hơn bao giờ hết, khi nó liên tục mất giá kể từ khi được quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chọn vào giỏ tiền tệ dự trữ hồi tháng 12.2015.

Tổng cộng đến giờ đồng tiền này đã mất giá hơn 5% kể từ giữa tháng 12, và đang được dự báo sẽ còn tiếp tục sụt giá trong thời gian tới. Điều này đang tạo ra tác động ngược vào thị trường chứng khoán (TTCK) nước này, khiến chỉ số CSI 300 liên tục sụt giảm kể từ những ngày đầu năm 2016.


Tình hình hiện tại căng thẳng đến mức, thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản là ông Haruhiko Kuroda đã buộc phải lên tiếng cảnh báo Trung Quốc, cần phải tìm mọi biện pháp để kiểm soát dòng vốn.

Một phần vì sự sa sút không phanh của nền kinh tế và TTCK Trung Quốc do sự tháo chạy của dòng vốn đang ảnh hưởng đến kinh tế và TTCK của Nhật Bản. Và gần nhất chính phủ Trung Quốc đã tung ra một gói các giải pháp nhằm kiểm soát dòng vốn trên thị trường, từ việc hạn chế người dân gửi ngoại tệ ra nước, cho đến các doanh nghiệp hạn chế mua hàng và nhập khẩu bằng đồng USD, tăng cường kiểm soát việc thanh toán qua thẻ UnionPay hay triệt phá các ngân hàng ngầm trong hệ thống tài chính.

Ở thời điểm hiện tại, mỗi người dân Trung Quốc được phép mang khoảng 50.000 USD theo người ra nước ngoài, và theo tính toán thì chỉ cần khoảng 5% dân số nước này mang chừng đó tiền theo người ra nước ngoài là đủ để bào mòn toàn bộ quỹ dự trữ ngoại tệ hiện tại của Trung Quốc.


Tính đến hiện tại, những dự đoán bi quan của George Soros về tương lai kinh tế Trung Quốc đang ngày càng có vẻ là chính xác. Tốc độ bơm tiền vào nền kinh tế để duy trì sự ổn định của thị trường và ngăn chặn đà sụt giá của đồng nhân dân tệ của chính phủ Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, với một mức lũy tiến đáng báo động.

Cho đến giờ, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã có tổng cộng 3 lần bơm tiền ra thị trường chỉ trong tháng 1.2016. Lần thứ nhất vào ngày 20.1 với con số khoảng 60 tỷ USD, lần thứ hai vào ngày 26.1 với mức 67 tỷ USD, và lần thứ ba vào ngày 28.1 với mức 52 tỷ USD.

Lý do chính thức được Trung Quốc đưa ra là để giải quyết nhu cầu tiền mặt gia tăng đột biến trong dịp Tết nguyên đán ở nước này, nhưng lý do chủ yếu được dự đoán là để giải quyết áp lực liên quan đến tỷ giá đồng nhân dân tệ và sự ổn định của nền kinh tế.


Việc tăng tốc độ bơm tiền để ổn định thị trường đang cho thấy Trung Quốc đang chịu những sức ép rất lớn để ổn định thị trường, thậm chí vượt ra khỏi dự đoán của các nhà kinh tế. Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc sẽ chỉ còn khoảng 3.000 tỷ USD vào cuối năm nay từ mức 3.300 tỷ USD hồi đầu năm, nghĩa là nước này sẽ chỉ phải chi khoảng 300 tỷ USD trong cả năm 2016 để ổn định kinh tế. Nhưng khi mà Bắc Kinh đã bơm tới quá nửa con số dự kiến cả năm đó chỉ trong vòng 1 tháng đầu năm, thì áp lực đó có lẽ là lớn hơn dự đoán rất nhiều.

Tình trạng này cũng tương tự như Nga trong giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng, khi nước này liên tục bơm tiền từ quỹ dự trữ vào thị trường để ổn định tỷ giá đồng Rup, nhưng khi nó đe dọa bào mòn quỹ dự trữ đáng kể thì Nga buộc phải tăng lãi suất lên rất cao để kiềm chế, buộc phải chấp nhận hậu quả là suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc hiện nay cũng có thể rơi vào tình trạng tương tự. Sẽ không có chuyện nước này dùng hết 3.300 tỷ USD còn lại (đã sụt mất hơn 700 tỷ USD từ tháng 8.2015) để ổn định tỷ giá đồng nội tệ. Nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá, sẽ đến lúc chính phủ nước này phải học theo cách của Nga là tăng lãi suất. Và điều này thì cũng đồng nghĩa với việc kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm nặng nề, giống như Nga. Có lẽ, cú hạ cánh cứng của Trung Quốc mà George Soros nói tới chính là kịch bản này.


Nguồn: Một thế giới
Bình luận
vtcnews.vn