Tàu sân bay mới được đặt tên là "Phúc Kiến" và mang số hiệu thân tàu 18. Đây là hàng không mẫu hạm được thiết kế và đóng trong nước đầu tiên của Trung Quốc. Lễ hạ thủy tàu Phúc Kiến có sự tham dự của các quan chức cấp cao nước này, bao gồm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tàu Phúc Kiến được trang bị công nghệ máy phóng điện từ tiên tiến hơn các tàu Liêu Ninh và Sơn Đông.
Hệ thống của con tàu sân bay thứ ba tương tự với tàu sân bay lớp Gerald R. Ford của Mỹ. Nhờ đó, máy bay có thể cất và hạ cánh trên boong tàu một cách an toàn.
Cùng với đó, tàu Phúc Kiến còn sở hữu đường băng bằng phẳng và lượng giãn nước hơn 80.000 tấn. Theo Tân Hoa Xã, tàu sẽ được thử nghiệm neo đậu và điều hướng trên biển sau khi hạ thủy.
Ông Matthew Funaiole, thành viên cấp cao của Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại CSIS, đánh giá rằng Phúc Kiến là hàng không mẫu hạm hiện đại đầu tiên của quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc đặt tên 3 hàng không mẫu hạm dựa theo các tỉnh ven biển: Tỉnh Liêu Ninh ở miền Đông Bắc, Sơn Đông ở miền Đông và Phúc Kiến ở vùng Đông Nam - tỉnh gần với Đài Loan nhất.
Trong số 2 hàng không mẫu hạm còn lại, Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được hoán cải từ chiến hạm cũ mua của Ukraine. Sau khi biên chế tàu Liêu Ninh năm 2012, quân đội Trung Quốc đã đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên là Sơn Đông, biên chế vào tháng 12/2019. Đến nay mới chỉ có tàu sân bay Liêu Ninh đạt khả năng tác chiến sơ bộ, mức sẵn sàng chiến đấu cơ bản nhất với khí tài quân sự.
Lực lượng hải quân của Trung Quốc được đánh là lớn nhất thế giới. Đặc biệt, tàu sân bay đóng vai trò chủ chốt trong lực lượng này - chúng chính là những căn cứ không quân di động, cho phép hải quân triển khai máy bay và vũ khí nhanh chóng.
Bình luận