Báo cáo công bố ngày 23/10 của Viện Khoa học Quốc gia Trung Quốc cho biết loài lợn hiện đại thiếu đi gen UCP1, một loại gen có ở hầu hết động vật có vú, khiến chúng dễ bị cảm lạnh và tích nhiều mỡ.
Theo Channel News Asia, để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học Trung Quốc đã áp dụng phương pháp di truyền lên các cá thể lợn. Theo đó, các nhà khoa học sử dụng gen UCP1 của loài chuột, đã qua biến đổi, cấy ghép vào tế bào của loài lợn.
Trên cơ sở các tế bào này, 2.553 phôi lợn nhân bản được tạo ra và được cấy vào 13 cá thể lợn nái. 3 trong số chúng đã mang thai và sinh ra 12 cá thể lợn con.
Sau 6 tháng, đàn lợn con được mổ khám nghiệm. Kết quả khám nghiệm cho thấy các mô và cơ quan nội tạng của chúng ở trạng thái bình thường. Lượng mỡ của chúng ít hơn 24% so với lợn nuôi thông thường. Một trong số các cá thể lợn đực thậm chí đã kết đôi và có những con con khỏe mạnh.
"Đàn lợn thí nghiệm đã cho thấy sự tăng cường trong khả năng duy trì thân nhiệt, giảm lượng mỡ và tăng tỷ lệ thịt nạc", báo cáo cho biết.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu. Mùa đông lạnh giá tại các tỉnh miền bắc khiến nông dân Trung Quốc phải tiêu tốn chi phí không nhỏ để giữ ấm cho vật nuôi.
Do vậy, các nhà khoa học đánh giá phương pháp mới được tìm ra sẽ đóng vai trò to lớn trong cách mạng hóa ngành chăn nuôi gia súc của nước này. Việc tăng khả năng chống chọi lại nhiệt độ thấp của loài lợn sẽ giúp người chăn nuôi giảm chi phí và nguyên liệu để giữ ấm và cho ăn đàn gia súc.
Bình luận