Tàu khảo sát địa vật lý và địa chấn Shiyan 6, hay Experiment 6, rời cảng ở Quảng Châu hôm 6/9 để thực hiện "nhiệm vụ khoa học quan trọng" ở cửa sông Châu Giang, Quảng Đông và phía Bắc Biển Đông, theo Science - trang thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc và Technology Daily.
Nhóm nhà khoa học và nhà nghiên cứu do ông Du Yan từ Viện Hải dương học Biển Đông thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc dẫn đầu, được cho là sẽ nghiên cứu về thủy động lực học, vận chuyển vật chất, các quá trình phản ứng sinh thái ở vùng biển gần Khu vực Vịnh lớn (Quảng Đông-Hong Kong-Ma Cao), và tình trạng ở sông Châu Giang gần đó.
Tàu này cũng có thể thực hiện nghiên cứu trong vùng biển gần các đảo nhỏ và đá ngầm ở Biển Đông, và có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về địa hình, địa mạo, dòng chảy và quần xã sinh vật trong các môi trường khắc nghiệt như rãnh sâu.
Trung Quốc trong nhiều năm gần đây đầu tư nhiều vào nghiên cứu hàng hải. Dù nước này khẳng định các nghiên cứu được sử dụng vì lợi ích cộng đồng, các hoạt động nghiên cứu vẫn làm dấy lên sự nghi ngờ từ láng giềng trên Biển Đông, khi Bắc Kinh có yêu sách trái phép với 90% vùng biển giàu tài nguyên này.
Tháng 6, khi Trung Quốc thông báo điều tàu nghiên cứu “Đại học Tôn Trung Sơn” tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, bất hợp pháp và vô giá trị".
Bình luận