Theo tờ Bưu điện Hoa Nambuổi sáng (SCMP), ngày 10/9, các công nhân tại xưởng đóng tàu Hudong-Zhonghua, một công ty con có trụ sở tại Thượng Hải của Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC), đăng một bức ảnh lên nền tảng mạng xã hội Weibo để chúc mừng việc hoàn thành đổ bê tông sàn của một ụ khô mới tại xưởng đóng tàu trên đảo Trường Hưng.
Bức ảnh cho thấy các công nhân cầm biểu ngữ đánh dấu việc hoàn thành công việc kỹ thuật nhưng không ghi rõ ngày tháng.
Lu Li-shih, cựu giảng viên tại học viện hải quân Đài Loan ở Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc), nhận định tiến bộ trong việc xây dựng ụ khô mới cho thấy Trung Quốc đang thúc đẩy việc đóng một tàu chiến khổng lồ mới và con tàu đó rất có thể là Type-076.
Nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua chuyên phát triển và đóng tàu chiến đổ bộ cho hải quân Trung Quốc. Tại đây đã đóng tất cả 10 tàu vận tải đổ bộ Type-071 đang hoạt động và 4 tàu tấn công đổ bộ mang trực thăng Type-075 tiên tiến. Chiếc Type-075 cuối cùng gần như đã sẵn sàng được hạ thủy.
Type-075 có lượng choán nước gần 40.000 tấn, nhỏ hơn một chút so với các tàu tấn công đổ bộ lớp Tarawa và Wasp của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, đây là một bản nâng cấp đáng kể so với tàu tiền nhiệm Type-071 (25.000 tấn).
“Nếu Trung Quốc quyết định dốc hết sức lực vào chương trình Type-076, thì họ sẽ có nhiều tàu Type-076 hơn Type-075”, Lu nói.
Quân đội Trung Quốc hiếm khi công bố tin tức về chương trình mở rộng hải quân của mình. Tuy nhiên, vào cuối tháng 4, hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố cho thấy một ụ tàu khô mới ở nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua dài khoảng 650m và rộng 94 m, lớn hơn một chút so với ụ tàu khô lớn nhất ở nhà máy đóng tàu Giang Nam gần đó, một công ty con khác của CSSC và là nơi chế tạo tàu sân bay Phúc Kiến tiên tiến nhất của nước này.
Hình ảnh vệ tinh CSIS cũng cho thấy một bể chứa mới có kích thước khoảng 760 m x 280 m, bằng 3/4 kích thước của bể chứa lớn nhất tại nhà máy đóng tàu Giang Nam.
“Các công trình chưa hoàn thiện và các hạng mục cụ thể khác trên ụ tàu mới ở Hudong-Zhonghua được hiển thị qua hình ảnh trực tuyến cho chúng ta thấy rằng xưởng đóng tàu đang chuẩn bị đóng các tàu chiến khổng lồ mới”, Lu cho hay.
Vị chuyên gia nói thêm: “Dựa trên kích thước của ụ khô và bể chứa gần đó, rất có thể đó là ụ trực thăng đổ bộ của Type-076 với máy phóng điện từ tiên tiến”.
Trong khi đó, một công ty con khác của CSSC, Nhà máy đóng tàu Huangpu-Wenchong ở Quảng Châu, tuyên bố sẽ chế tạo cần trục dài 150 m. Theo một tuyên bố chính thức của công ty vào ngày 3/9, mỗi cần trục có thể nâng hơn 2.800 tấn. Đơn hàng sẽ được hoàn thành vào tháng 4/2024.
Nhà bình luận quân sự Antony Wong Tong ở Macau (Trung Quốc) cho biết, dựa trên kích thước và khả năng tải, có vẻ như cần trục sẽ được sử dụng để chế tạo Type-076.
“Tuyên bố của Nhà máy đóng tàu Huangpu-Wenchong chỉ ra rằng CSSC muốn nhà máy đóng tàu Quảng Châu chia sẻ một số công việc đóng tàu của Hudong-Zhonghua, và điều đó sẽ giúp cân bằng sự phát triển của ngành đóng tàu ở miền Bắc, miền Đông và miền Nam Trung Quốc”, Antony nói.
Chuyên gia Lu Li-shih cho rằng, mặc dù Trung Quốc chưa bắt đầu chế tạo máy bay hoạt động trên tàu thế hệ thứ hai hoặc bất kỳ máy bay hạng nhẹ nào hoạt động trên tàu tương tự như máy bay F-35B của Mỹ, nhưng Type-076 được coi là có thể so sánh với các tàu tấn công đổ bộ lớp Tarawa và Wasp của Mỹ.
“Thiết kế của Type-076 tiên tiến hơn so với các tàu tấn công đổ bộ lớp Tarawa và Wasp của Mỹ vốn không có hệ thống máy phóng”, Lu cho hay
Vị chuyên gia đến từ Đài Loan nói thêm rằng Type-076 có “tham vọng lớn hơn” Type-071 và Type-075, cùng khả năng chiến đấu rộng hơn nhờ thiết kế tiên tiến hơn, có thể hoạt động như một tàu sân bay cho trực thăng và máy bay không người lái.
Bình luận