Theo CNN, ''Chính sách một con'' được áp dụng từ năm 1979 và được thay thế bằng chính sách hai con vào năm 2015. Những hạn chế này giờ có thể còn được nới lỏng hơn nữa khi đề xuất cải cách luật dân sự của Trung Quốc có thể cho phép các gia đình có nhiều con sau gần bốn thập niên áp dụng ''Chính sách Kế hoạch hóa gia đình''.
Theo một tuyên bố ngắn từ Ủy ban Nhân dân Trung Quốc, luật được thay đổi có thể không còn liên quan gì đến kế hoạch hóa gia đình nữa, tức là các gia đình không có giới hạn nào về sinh đẻ nữa. Dù vậy luật sửa đổi vẫn chưa được hoàn thiện cho đến tháng 3/2020 và vẫn chưa có dấu hiệu nào báo trước những thay đổi chính xác sẽ diễn ra.
Nói về chính sách này, tờ báo nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc ngày 14/8 gợi ý có một “quỹ sinh đẻ” trong đó những công dân dưới độ tuổi 40, bất kể giới tính, phải đóng góp mỗi năm và những người đến từ những gia đình có từ hai con trở lên có thể được hưởng phụ cấp. Trong khi đó những công dân không có hai con trở lên sẽ chỉ nhận lại tiền từ quỹ khi về hưu.
Theo nhà báo Haining Liu viết trong bài bình luận trên South China Morning Post, dù Trung Quốc có chuyển từ chính sách một con sang hai con rồi ba con thì cũng không nên ép buộc phụ nữ phải sinh đẻ thêm nếu họ thực sự không mong muốn. Các gia đình Trung Quốc đã từng bị phạt nặng khi sinh con thứ hai và giờ nếu đề xuất nói trên được áp dụng thì họ sẽ phải trả một khoản bắt buộc (cũng không khác bị phạt là mấy) vì không sinh con thứ hai. Điều này không giống như một hình thức khuyến khích sinh đẻ mà giống như đánh thuế và tệ hơn, đây là một hình phạt đối với những người chọn không muốn, hoặc không thể có con thứ hai, Liu nhận định.
Điểm chung giữa các chính sách một con và hai con là sự kỳ lạ khi người dân không được tự do quyết định về việc có con của mình, hay có bao nhiêu con, nhà báo này cho biết.
Bên cạnh đó, các chính sách này cũng tỏ ra không hiệu quả. Chính sách một con - một trong những chính sách gây tranh cãi nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại khiến mất cân bằng giới gia tăng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn khi con trai được ưa thích hơn con gái và gây ra già hóa dân số, khiến nguồn nhân lực lao động có xu hướng trở nên khan hiếm. Ngược lại, chính sách hai con được áp dụng năm 2015 cũng không đạt được hiệu quả tăng tỷ lệ sinh khi tỷ lệ này vẫn tiếp tục giảm từ 17,86 triệu trong năm 2016 xuống còn 17,23 triệu trong năm 2017. Tuy vậy cũng có một số chuyên gia cho rằng sự điều chỉnh chính sách năm 2015 là quá ít ỏi và chính phủ cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn.
Trên một tờ báo nhà nước Trung Quốc khác - Nhân dân nhật báo, đăng bài viết với tiêu đề “Sinh một đứa con là vấn đề gia đình và cũng là vấn đề quốc gia”. Nhưng để đảo ngược biểu đồ nhân khẩu học cần cả cam kết chính trị và sự tin tưởng của công chúng, trong đó yếu tố thứ hai quan trọng hơn rất nhiều, tác giả bài báo cho biết.
Theo cây bút của tờ Nhân dân nhật báo, các nhà chính sách của chính phủ Trung Quốc nên xem xét đề xuất “quỹ sinh đẻ” một cách thận trọng với những quyền và nhu cầu cơ bản của con người cũng như tác động lâu dài có thể xảy ra. Những thay đổi chính sách thiết thực hơn nên là những chính sách khuyến khích người trẻ sinh nhiều con như giảm thuế, miễn phí dịch vụ chăm sóc trẻ, chế độ thai sản, các chế độ lao động thân thiện với gia đình như giúp phụ nữ quay lại công sở sau khi sinh con, v.v...
Bình luận