Gần như chắc chắn Trung Quốc không thể hoàn thành mục tiêu giành từ 30 – 36 huy chương vàng tại Olympic Rio 2016. Mang đến giải 416 VĐV nhưng mới chỉ giành được 58 huy chương, bao gồm 20 HCV, 16 HCB và 22 HCĐ. Đó là thất bại không thể bào chữa của quốc gia từng giành vị trí nhất toàn đoàn tại Olympic Bắc Kinh 2008 và số 2 tại Olympic London 2012.
Nhà máy đào tạo vận động viên
“Thế giới đã chọn Trung Quốc. Đó không đơn thuần là quyền đăng cai một sự kiện thể thao quốc tế”, J.A.Magan và Dong Jinxia viết trong cuốn sách “Bắc Kinh 2008: Chuẩn bị cho đỉnh cao. Thách thức với Trung Quốc trong kỷ nguyên Trung Hoa” về quyết định trao quyền đăng cai Olympic 2008 cho Trung Quốc.
“Đó là uy tín toàn cầu và sự công nhận của rộng khắp các quốc gia phát triển dành cho Trung Quốc. Nó là bằng chứng cho sức mạnh không thể chối cãi của Trung Quốc trên toàn cầu. Trung Quốc sẽ chứng minh cho thế giới thấy, IOC đã có một quyết định khôn ngoan bằng việc tổ chức một kỳ thế vận hội chưa từng có trước đây trong lịch sử”.
Song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thể thao Trung Quốc bắt tay vào chiến dịch tuyển chọn VĐV đỉnh cao có qui mô lớn chưa từng có. Chiến dịch tìm kiếm VĐV của Uỷ ban Olympic Trung Quốc chính thức khởi động vào năm 2000, 8 năm trước khi Bắc Kinh 2008 khai mạc.
Với mục tiêu “thà tuyển thừa còn hơn bỏ sót”, các chuyên gia thể thao Trung Quốc đã lật tung từng mét đất trên diện tích 9,5 triệu km2 của nước mình để tìm kiếm nhân tài. Từ những xóm làng xa xôi hẻo lảnh cho đến thành thị, bất cứ em bé nào bộc lộ chút năng khiếu sẽ được xem xét tuyển mộ vào lò đào tạo gà nòi với cường độ huấn luyện vô cùng khắc nghiệt.
Trên New York Times, nữ ký giả Juliet Macur kể câu chuyện về Yang Wen Jun, một trong những VĐV thể thao dưới nước thành công nhất Trung Quốc. Hai kỳ Olympic liên tiếp 2004 và 2008, Yang - con trai một gia đình nông dân nghèo ở thành phố miền núi Giang Tây, tỉnh Hồ Nam, đem về 2 tấm HCV ở nội dung C2-500m bộ môn đua thuyền canoeing.
Vinh quang, tiền bạc, nhưng khi kí giả Juliet Macur hỏi mẹ của Yang – bà Nie Chunhua rằng, nếu được chọn lại, bà có muốn con mình theo nghiệp thể thao không, người phụ nữ nông thôn đưa đôi bàn tay đen đúa và nứt nẻ vì làm đồng quệt nước mắt và trả lời: “Nếu gia đình tôi khá giả hơn, tôi đã không để con mình theo nghiệp thể thao. Mỗi lần nhìn nó tập luyện, là mẹ, tôi lại thấy tim mình nhói đau”.
Những VĐV như Yang không bao giờ có cơ hội từ bỏ con đường đang đi để lựa chọn lại. Trò chuyện với phóng viên New York Times từ trung tâm huấn luyện cách nhà gần 400km, Yang nói, anh từng muốn bỏ nghiệp VĐV để theo học đại học, nhưng anh biết mình không bao giờ đủ thông minh để chen chân vào bất kỳ trường nào.
Hơn 250.000 trẻ em trong guồng quay đào tạo VĐV đỉnh cao của Trung Quốc chuẩn bị cho các sự kiện thể thao lớn như Bắc Kinh 2008 không bao giờ có cơ hội làm một công việc gì khác ngoài tập luyện thể thao. Cuộc đời họ bị đóng đinh trong những trường huấn luyện.
“Nhiều lúc tôi muốn bỏ nghiệp VĐV”, Yang nói. “Nhưng ở đây, tôi không được phép tự do chọn lựa tương lai của mình. Từ nhỏ, tôi chẳng được học bất cứ thứ gì khác ngoài các kỹ năng của một VĐV. Thế nên, giờ không thi đấu tôi biết làm gì đây ? Chẳng gì hết. Tôi có ước mơ cho mình chứ, nhưng làm sao có thể biến nó thành sự thật”.
Khủng hoảng thừa, rồi khủng hoảng thiếu
Suốt hàng chục năm trời, cái nhà máy đào tạo VĐV như Juliet Macur mô tả đào tạo ra hàng trăm ngàn VĐV cung cấp cho các đội tuyển thể thao Trung Quốc. Nhưng làm sao có thể mang cả trăm ngàn người ấy đến Olympic ?
Một sách lược mới được đề xuất, và thực thi ngay. Uỷ ban Olympic Trung Quốc khuyến khích các VĐV chạm ngưỡng giỏi đầu quân cho các quốc gia khác. Bóng bàn là một ví dụ. Theo thống kê, Trung Quốc giành tới 2/3 số HCV bóng bàn trong lịch sử các kỳ Olympic (28/32). Quốc gia này cũng sở hữu tới 50% số bộ HC (53/100).
Sự thống trị của bóng bàn Trung Quốc trong các kỳ Olympic khiến các quốc gia ngoài châu Á dần rút khỏi môn này. Nhưng vấn đề là, nếu có quá ít đoàn tham dự, bóng bàn sẽ bị loại khỏi danh sách các môn thi chính thức của Olympic, điều từng xảy ra với bóng chày và bóng mềm.
“Giải pháp là, Uỷ ban Olympic Trung Quốc khuyến khích các VĐV do họ đào tạo hãy chuyển sang khoác áo các đoàn thể thao khác, vừa để cung cấp lực lượng VĐV cho họ, duy trì đủ số đội tham dự để giữ môn thi đó không bị loại khỏi Olympic”, J.A.Magan và Dong Jinxia viết trong sách “Bắc Kinh 2008”.
“Ngoài ra, bản thân các VĐV cũng được lợi. Trong 100 VĐV bóng bàn được đào tạo mỗi năm, chỉ 10 người xuất sắc nhất góp mặt trong đội tuyển quốc gia. 90 người còn lại thì sao ? Họ không đủ giỏi để cạnh tranh ở Trung Quốc, nhưng vẫn là tài sản có giá trị với các nước khác.
Nhập tịch, chuyển sang thi đấu cho một đoàn khác là giải pháp cả 2 cùng thắng: Trung Quốc giữ cho môn thể thao thế mạnh của họ ở lại Olympic. Các VĐV chạm ngưỡng giỏi có cơ hội góp mặt ở sân chơi lớn. Nhưng họ không bao giờ có thể thắng được những VĐV của đoàn Trung Quốc, vì thực tế, trình độ thế nào đã được xác định từ đầu qua quá trình sàng lọc”.
Clip: Wu Minxia- ngôi sao nhảy cầu số 1 Trung Quốc
Một số quốc gia, như Singapore, hưởng lợi lớn từ chính sách đào tạo rồi xuất khẩu VĐV Trung Quốc. Một tay vợt bóng bàn gốc Trung Quốc, như Feng Tianwei, là thứ người Singapore muốn cũng không thể có. Sinh tại đại lục, ở tuổi 21, Feng Tianwei đến Singapore tham gia dự án tìm kiếm VĐV nhập tịch của thể thao nước này. Tại London 2012, chính Feng Tianwei là VĐV đem về chiếc HCĐ, huy chương đơn môn đầu tiên sau 42 năm của thể thao Singapore ở đấu trường Olympic.
Sau khi xuất khẩu thành công những VĐV đỉnh cao, đến Rio 2016, lần đầu tiên thể thao Trung Quốc chứng kiến sự sa sút của các VĐV của mình. Có những môn thi, những VĐV gốc Trung Hoa khoác áo các đoàn khác dự tranh các nội dung chung kết, còn những VĐV Trung Quốc chính gốc thì không.
Vì thế, ở Olympic Rio 2016, ngoại trừ bóng bàn, Trung Quốc vẫn độc chiếm 4 huy chương vàng, các môn khác như Thể dục dụng cụ, cầu lông, cử tạ đều chứng kiến thất bại được cho là thảm bại chưa từng có.
Báo chí Trung Quốc gọi đây là cơn bĩ cực của thể thao nước nhà. Có tờ báo còn lý giải các VĐV Trung Quốc không còn thèm muốn huy chương Olympic để nổi tiếng nữa bởi cái giá phải đánh đổi quá nghiệt ngã, chưa kể tiền thưởng bèo bọt.
Thế mới có chuyện, nữ VĐV bơi lội Fu Yuanhui trở thành ngôi sao trên mạng xã hội Trung Quốc với biểu cảm hài hước sau khi biết mình giành HCĐ Olympic hay bào chữa việc thua cuộc do bơi vào kỳ kinh nguyệt.
Bình luận