Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giới thiệu vào năm 2013. Khi đưa ra sáng kiến này, Bắc Kinh tuyên bố muốn hỗ trợ các nước đang phát triển đầu tư, xây dựng tuyến đường bộ, đường sắt, cảng và cơ sở hạ tầng khác, từ đó tạo hành lang để thúc đẩy phát triển các liên kết kinh tế khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế không hẳn vậy. Trung Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng vào sáng kiến này, coi đây sẽ là “con mồi” để lôi kéo, “hút” các nước vốn đang trong cơn khát tiền vào bẫy nợ mà Bắc Kinh đã giăng sẵn. Mục đích của Trung Quốc là vung tiền, để gài “bẫy” một loạt các nước nghèo, hiện thực hóa tham vọng thống trị các khu vực chiến lược quan trọng.
Theo quan điểm phổ quát hiện nay, sáng kiên BRI của Trung Quốc thực chất là công cụ địa chiến lược mà Trung Quốc cố tình vạch ra nhằm đưa các nước mục tiêu vào tròng, cụ thể là rơi vào tình trạng nợ nần không bền vững và sau đó sử dụng điều đó để tạo ra ảnh hưởng chính trị.
Loạt nước tẩy chay, hoài nghi
Về cơ bản, giai đoạn đầu sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc phần nào thành công khi nhiều nước hồ hởi chào đón các khoản đầu tư từ Trung Quốc, coi các khoản vay dưới mác “ưu đãi” là cứu cánh để thay đổi diện mạo đất nước. Thế nhưng, dần dần các nước này cũng hiểu ra được mưu đồ nhan hiểm đằng sau sáng kiến được quảng bá rầm rộ của Bắc Kinh.
Sau khi trải nghiệm thực tế với với các khoản vay từ BRI, các nước dính vào sáng kiến này mới nhận ra họ đã rơi vào “bẫy nợ”, bị lệ thuộc sâu sắc vào Bắc Kinh. Trung Quốc đã thao túng cả chính trị và kinh tế tại nhiều nền kinh tế trong khu vực và thế giới với chiến lược của mình.
Theo thời gian, sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc vấp phải chỉ trích ngày càng tăng trên khắp thế giới. Các chỉ trích cho rằng, các khoản vay của Trung Quốc tập trung vào các nước có nguồn tài chính thiếu ổn định, thiếu minh bạch và lệ thuộc vào nguồn vốn của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, nhiều nước lên án các dự án của Trung Quốc có tác động xấu đến xã hội và môi trường nước tiếp nhận đầu tư.
Đầu tiên phải kể đến Ấn Độ, quốc gia láng giềng với Trung Quốc, có diện tích rộng lớn và dân số đứng thứ hai thế giới, liên tục tẩy chay sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.
New Delhi nhiều lần tuyên bố sẽ không tham gia BRI bởi sáng kiến này không mang lại một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Ấn Độ. Đồng thời, Ấn Độ cũng phản đối BRI vì một thành phần quan trọng của BRI là Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) đi qua vùng Kashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Trong khi đó, Australia được xem là nước “thờ ơ” ngay từ ban đầu với sáng kiến BRI của Trung Quốc. Nước này vừa thông qua đạo luật cho chính phủ liên bang quyền xem xét và hủy bất kỳ thỏa thuận của chính quyền địa phương và các tổ chức công lập với nước ngoài.
Đạo luật vừa có hiệu lực của Australia được cho là nhằm ngăn Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng thông qua sáng kiến BRI. Chính phủ Australia đã chỉ trích quyết định tham gia BRI của bang Victoria, cũng như bày tỏ lo ngại về việc các trường đại học đang hợp tác với các học giả Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm.
Trong những năm qua, do lo ngại về chi phí đầu tư gia tăng và những ảnh hưởng của BRI đến nợ quốc gia và nền kinh tế, các quốc gia đang phát triển như Pakistan, Malaysia, Myanmar, Bangladesh và Sierra Leone đã quyết định hủy bỏ, lùi lại những cam kết đã thảo thuận trong sáng kiến BRI với Trung Quốc
Nhiều dự án BRI đã bị trì hoãn, hủy ngang hoặc bị treo do xuất hiện những hoài nghi hoặc những phản đối thực hiện các dự án. Pakistan đã yêu cầu Bắc Kinh tạm hoãn dự án điện than trị giá 2 tỷ USD. Islamabad cũng đã cắt giảm các khoản vay của Trung Quốc cho các dự án đường sắt từ 8,2 tỷ USD xuống còn 6,2 tỷ USD.
Còn chính phủ Myanmar cũng vì lo sợ gia tăng nợ quốc gia nên đã cắt giảm đầu tư vào cảng nước ngầm ở Rakhine từ 7,3 tỷ USD xuống 1.3 tỷ USD. Hay Sierra Leone - một quốc gia nghèo nhất ở châu Phi, cũng đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng một sân bay trị giá 318 triệu USD với một công ty của Trung Quốc, trong khi đó Malayssia cũng đình chỉ dự án trị giá 22 tỷ USD với Trung Quốc…
Làn sóng này đã trỗi dậy sau khi Sri Lanka phải bàn giao cảng chiến lược cho Bắc Kinh vào năm 2017 khi không thể trả được nợ cho các công ty của Trung Quốc. Đây được xem như là một ví dụ điển hình cho các quốc gia có nợ nần với Bắc Kinh nhưng không có khả năng thanh toán sẽ phải chấp nhận các nhượng bộ về kinh tế hoặc biên giới quốc gia.
Những thay đổi đó không chỉ khẳng định lo sợ của toàn cầu về các điều khoản tài chính của BRI mà còn cho thấy, các nền kinh tế đang phát triển có xu hướng ưu tiên cho các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia hơn là nhu cầu đầu tư bên ngoài.
Cắt giảm cho vay nước ngoài
Dự án BRI của Trung Quốc đã thu hút hơn 130 nước tham gia và mức đầu tư dành cho các quốc gia này cũng khác nhau. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, Bắc Kinh đang đầu tư tổng cộng khoảng 575 tỉ USD cho các dự án trong khuôn khổ BRI.
Tuy nhiên, Trung Quốc giờ đây phải cắt giảm mạnh chương trình cho vay ra nước ngoài sau gần một thập kỷ thực hiện kế hoạch cho vay đầy tham vọng - có thời điểm sánh ngang với khoản cho vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo dữ liệu do các nhà nghiên cứu tại Đại học Boston và Financial Times công bố, chương trình cho vay của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EIBC) đã giảm từ mức đỉnh 75 tỷ USD vào năm 2016 xuống chỉ còn 4 tỷ USD vào năm ngoái. Việc rút lại các khoản vay của hai ngân hàng này diễn ra khi Bắc Kinh xem xét lại sáng kiến BRI.
Các chuyên gia cho rằng, quyết định cắt giảm các khoản vay nước ngoài của Trung Quốc xuất phát từ các tranh cãi quốc tế về một số dự án BRI, trong đó có các cáo buộc “ngoại giao bẫy nợ”, chỉ trích về sự thiếu minh bạch và nhạy cảm về môi trường trong nhiều dự án, và các vụ bê bối liên quan đến quản trị kém ở các nước nhận khoản vay.
Bên cạnh đó, sự phản đối ở trong nước cũng khiến Chính phủ Trung Quốc cắt giảm đầu tư bên ngoài, chú trọng hơn vào đầu tư nội địa. Công dân Trung Quốc ngày càng đặt câu hỏi về việc Bắc Kinh cho nước ngoài vay các khoản vay hào phóng trong khi nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại.
Kevin Gallagher, giám đốc Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston, cho biết cuộc chiến thương mại của Bắc Kinh với Washinton cũng là một nhân tố dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược cho vay của Trung Quốc. “Năm 2018 và 2019 có quá nhiều bất ổn do cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc có thể muốn giữ tài sản bằng USD ở lại trong nước”, Kevin Gallagher nói.
Theo báo cáo gần đây của Viện phát triển hải ngoại (ODI) - một tổ chức tư vấn của Anh, Trung Quốc nhận ra rằng cách tiếp cận cho vay của nước này là không bền vững. "Lợi ích của các công ty Trung Quốc và giới tinh hoa địa phương giờ đây được Bắc Kinh ưu tiên hơn lợi ích của nước đi vay - vốn chịu rủi ro thất bại về dự án, sẽ càng trở nên không bền vững trong bối cảnh các nước giảm khả năng trả nợ”, ODI cho biết.
Yu Jie, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Chatham House, tổ chức tư vấn của Anh, cho rằng các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng quốc doanh đang tập trung nguồn lực đầu tư vào trong nước thay vì các dự án ở nước ngoài. Các chính sách kinh tế của Bắc Kinh đã thay đổi trong những năm gần đây từ việc chú trọng vào tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang đầu tư và tiêu dùng trong nước.
“Sẽ có nhiều tiêu chí nghiêm ngặt hơn về khả năng thương mại của các dự án. Trước đây, chủ yếu là sử dụng các nguồn tài chính để mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc. Bây giờ Bắc Kinh sẽ thiên về lợi nhuận thương mại”, Yu Jie nói và cho biết Trung Quốc phải đối mặt với “thiệt hại lớn về danh tiếng” từ sáng kiến BRI.
“Việc mở rộng BRI đã khiến phần còn lại của thế giới phải lên tiếng cảnh báo và Chính phủ Trung Quốc đã không thể đưa ra một kế hoạch minh bạch và giải thích chính sách ngoại giao ‘bẫy nợ’ của mình một cách ‘hợp tình, hợp lý’”, Yu Jie cho biết thêm.
Các ngân hàng Trung Quốc có thể cho các nước vay với các điều khoản ưu đãi nhưng lãi suất vay thực tế gần bằng lãi suất thương mại. Cho vay của ngân hàng CDB và EIBC đạt tổng cộng 462 tỷ USD từ năm 2008 đến năm 2019. Tuy nhiên, quản trị kém trong các dự án cho theo sáng kiến BRI là nguyên nhân dẫn đến loạt vụ bê bối và khiếu nại của các nước đi vay.
Gần đây, tranh cãi tại Pakistan là ví dụ. Pakistan - một trong những nước nhận vốn vay BRI lớn nhất, cáo buộc các công ty Trung Quốc đã thổi phồng chi phí dự án điện lên hàng tỷ USD. Pakistan đang tìm cách thương lượng lại các điều khoản trả nợ. Islamabad cáo buộc các công ty điện lực địa phương và Trung Quốc đã “làm sai” và phóng đại chi phí.
Theo nghiên cứu của Đại học Boston, khoản cho vay của Trung Quốc tập trung ở một số quốc gia tương đối nhỏ. Trong đó, Venezuela là nước nhận nhiều nhất - chiếm hơn 12,5%, tiếp theo là Pakistan, Nga và Angola. Các dự án được tài trợ chủ yếu trong lĩnh vực giao thông và cơ sở hạ tầng khác như khai thác mỏ và khai thác dầu, đường ống, sản xuất và truyền tải điện.
Trước bối cảnh hứng chịu nhiều chỉ trích, tẩy chay từ nhiều nước đối với sáng kiến “Vành đai, Con đường”, Trung Quốc giờ đây ít nhiều đã thấm đòn. Việc nước này điều chỉnh, giảm các khoản cho vay bên ngoài cho thấy sự “thất thế” của nước này, khiến cho tương lai của BRI khó đoán định hơn.
Tuy nhiên, với tham vọng của mình, Trung Quốc khó lòng từ bỏ sáng kiến BRI. Sự điều chỉnh trong chính sách đối với BRI có thể chỉ mang tính thời điểm, phù hợp bối cảnh tình hình. Và cũng không ngoại trừ khả năng Bắc Kinh đang chuẩn bị cho những bước đi mới để hiện thực hóa mưu đồ, tham vọng bành trướng thông qua sáng kiến BRI.
Bình luận