Ngày 10/9, Sina đưa tin công chúng đang chú ý đến vụ việc MC Lý Duy Gia bị một nhóm người đến trước cổng đài truyền hình Hồ Nam để chỉ trích.
Theo đó, họ mặc áo có chữ "Lý Duy Gia thất đức" và chỉ trích vì anh làm đại diện một thương hiệu trà sữa. Thương hiệu này đã nhận vốn đầu tư của khách hàng, sau đó bỏ trốn. Là người đại diện, khán giả cho rằng Lý Duy Gia phải chịu một phần trách nhiệm.
Theo Sina, sau khi sự việc trên nổ ra, các luật sư đã chia sẻ lại điều luật về nhận hợp đồng quảng cáo của nghệ sĩ ở Trung Quốc. Trong đó, có 3 điều khoản đáng chú ý.
1. Không được phép nhận hợp đồng quảng cáo cho thương hiệu nếu chưa từng sử dụng sản phẩm.
2. Nếu quảng cáo hàng hóa kém chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến tính mạng, khiến sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng, người đại diện cũng phải chịu các trách nhiệm liên quan.
3. Người đại diện biết rõ sản phẩm có vấn đề, nhưng vẫn giới thiệu tới người tiêu dùng, tạo thành hậu quả, người đại diện cũng phải gánh chịu một phần trách nhiệm.Theo Luật quảng cáo của Trung Quốc, đối với các hành vi sai trái, người đại diện quảng cáo bị xử phạt hành chính, đồng thời không được nhận quảng cáo trong vòng 3 năm.
Theo Sina, hai năm trở lại đây, sự việc thương hiệu mà các nghệ sĩ nhận quảng cáo, trở thành công ty lừa đảo hàng chục đến hàng trăm triệu NDT diễn ra liên tục.
Hồi tháng 5, nữ diễn viên Mã Y Lợi cũng gặp tình huống tương tự. Thương hiệu trà sữa do Mã Y Lợi làm người đại diện bị Cục Kinh tế Thượng Hải điều tra hành vi lừa đảo.
Theo bản án của cơ quan chức năng, công ty này đã lập trang web giả, làm giả giấy ủy quyền, thuê người dàn cảnh để thu hút sự chú ý và lôi kéo nhà đầu tư.
Tiến hành triệt phá băng nhóm lừa đảo này, đội kinh tế Thượng Hải bắt giữ hơn 90 nghi phạm với tổng số tiền tang vật thu được là 108 triệu USD. Do Mã Y Lợi là người phát ngôn, đại diện thương hiệu, cô cũng trở thành một trong những đối tượng bị điều tra.
Các nghệ sĩ Trịnh Khải, MC Uông Hàm, Chương Tử Di, Trần Sổ, Quan Hiểu Đồng, Lưu Thi Thi, Trần Chí Băng, Trần Tiểu Xuân... cũng vướng bê bối vì quảng cáo cho thương hiệu thiếu uy tín.
Các nghệ sĩ xin lỗi, nhưng không chịu trách nhiệm hay nhận các hình phạt liên quan. Do đó, công chúng muốn nhắc lại luật quảng cáo, để những nghệ sĩ vi phạm bị trừng phạt.
Theo Tân Hoa Xã, việc những người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật không chỉ vi phạm đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng mà còn vi phạm pháp luật. Giới chức Trung Quốc hiện vào cuộc kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo không đúng sự thật.
Bình luận