Sunday Telegraph dẫn các nguồn tin cho biết, Bắc Kinh cung cấp thông tin bí mật chi tiết các lỗ hổng bảo mật cho một nhóm chuyên gia công nghệ thông tin, trong một chiến dịch nhằm làm mất uy tín các nhà sản xuất phương Tây để có lợi cho Huawei.
Hơn 100 chuyên gia bảo mật máy tính đang thực hiện kiểm tra bảo mật thiết bị 5G từ các nhà sản xuất bao gồm Huawei và các đối thủ phương Tây như Nokia và Ericsson. Trong bài kiểm tra, các kỹ thuật hack được sử dụng để tìm ra những điểm yếu.
Tuy nhiên, các quan chức Anh và một số nguồn tin trong ngành theo dõi các thử nghiệm cho rằng họ đang bị lừa để bảo vệ Huawei. Họ tin rằng các lỗ hổng đã được Trung Quốc cài cắm vào bài kiểm tra 5G để đảm bảo thiết bị của Nokia và Ericsson được đánh giá là không an toàn.
Dự kiến việc thử nghiệm sẽ kết thúc vào khoảng ngày 10/6, để Bắc Kinh kịp thời sử dụng kết quả gây ảnh hưởng đến đánh giá quan trọng của EU về an ninh 5G vào mùa Hè này. Hai nguồn tin cho rằng Trung Quốc đặc biệt có ý định làm suy yếu cảnh báo thận trọng về Huawei do tình báo Anh cung cấp.
Các quan chức và giám đốc điều hành viễn thông phương Tây đã tổ chức cuộc họp khẩn về chiến dịch này tuần trước.
Cáo buộc tấn công của Bắc Kinh xuất hiện sau một loạt diễn biến được cho là khiến Trung Quốc thành "môi trường thù địch cho các công ty viễn thông không phải của Trung Quốc". Văn phòng của Ericsson tại thủ đô Trung Quốc đã bị các nhà điều tra nhà nước đột kích vào tháng trước vì khiếu nại vi phạm sở hữu trí tuệ. Họ phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào.
Những động thái trên báo hiệu sự leo thang hơn nữa của cuộc chiến thương mại công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh, trong đó Huawei đã trở thành mục tiêu hàng đầu của Mỹ.
Các cơ quan an ninh Mỹ đe dọa sẽ xem xét lại việc chia sẻ thông tin tình báo với các đối tác ở Anh, nếu Chính phủ Anh cho phép các nhà khai thác di động sử dụng thiết bị Trung Quốc để xây dựng mạng 5G. Theo Sunday Telegraph, một phái đoàn quan chức Anh sẽ bay đến Washington trong tuần này, trong khi Tổng thống Donald Trump đến thăm Vương quốc Anh, để thảo luận về những miễn trừ cho lệnh cấm.
Các công ty như Vodafone và BT tuyên bố lệnh cấm vận hoàn toàn đối với Huawei sẽ kìm hãm đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng. Khi cuộc chiến thương mại công nghệ leo thang, ông chủ của công ty vi mạch độc lập lớn nhất nước Anh nói với tờ Sunday Telegraph rằng ngành công nghiệp điện tử sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cùng Trung Quốc chống lại Mỹ.
"Mọi thứ đều được sản xuất tại Trung Quốc và châu Á", Jalal Bagherli, Giám đốc Điều hành của Dialog Semiconductor cho biết. "Đối với các công ty điện tử và chip, tôi không nghĩ chúng tôi có nhiều lựa chọn. Không phải là chúng tôi sẽ chọn Trung Quốc để làm việc, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Đó là nơi mọi thứ được làm ra".
Video: Phát triển xe không người lái điều khiển bằng 5G ở Hàn Quốc
Bình luận