Hướng dẫn do Tiểu ban đạo đức trí tuệ nhân tạo thuộc Ủy ban Đạo đức Khoa học Công nghệ Quốc gia Trung Quốc biên soạn và Bộ Khoa học Công nghệ nước này công bố tối ngày 2/2, nhằm dùng làm tài liệu tham khảo cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và các nhà nghiên cứu.
Hướng dẫn đưa ra các nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ khi thực hiện nghiên cứu giao diện não-máy tính (BCI), như bảo vệ sức khỏe, nâng cao phúc lợi, tôn trọng các đối tượng thử nghiệm, áp dụng công nghệ hợp lý, tuân thủ và đảm bảo công bằng, quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, công khai thông tin, đảm bảo quyền được thông tin, hỗ trợ đổi mới và quy định nghiêm ngặt.
Hướng dẫn đã đưa ra các yêu cầu cụ thể trong 7 khía cạnh, gồm tính hợp pháp, giá trị xã hội và khoa học, sự đồng ý và được thông tin, bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro, yêu cầu về trình độ chuyên môn và cơ chế trách nhiệm. Hướng dẫn cũng cung cấp các nguyên tắc đạo đức cho 5 loại nghiên cứu, gồm nghiên cứu BCI phục hồi không xâm lấn, phục hồi xâm lấn, can thiệp, nâng cao và trên động vật.
Hướng dẫn nêu rõ: “Đối với các bệnh hiếm gặp gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng và chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nào khác, các thử nghiệm lâm sàng đối với các sản phẩm BCI cải tiến có thể được tiến hành với sự đồng ý và biết đầy đủ thông tin, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc gia về thiết bị y tế và nghiên cứu lâm sàng”.
Hướng dẫn nhấn mạnh, trong trường hợp công nghệ BCI nâng cao chưa thể chứng minh đầy đủ về sự vượt trội hơn so với trình độ con người và đạt được sự đồng thuận xã hội, cần tránh nghiên cứu thay thế hoặc làm suy yếu khả năng phán đoán và ra quyết định của con người, can thiệp đáng kể hoặc làm mờ đi quyền tự chủ và tự nhận thức của con người.
Hướng dẫn cũng nhấn mạnh việc cần kiểm soát chặt chẽ các nghiên cứu có thể gây nghiện và ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi bình thường của con người.
Được biết, sau khi Giám đốc điều hành của Tesla Elon Musk thông báo bộ cấy ghép não không dây của Neuralink thuộc sở hữu của ông đã được cấy ghép vào người lần đầu tiên trong lịch sử chỉ một ngày, các nhà khoa học Trung Quốc đã tuyên bố đạt được bước đột phá trong thử nghiệm phục hồi chức năng BCI cho bệnh nhân đầu tiên trên thế giới.
Đây là một trường hợp liệt tứ chi được điều trị bằng sự hỗ trợ của BCI cấy ghép ngoài màng cứng và đạt được tiến bộ trong phục hồi hành vi, với việc có thể uống nước nhờ điều khiển được não, thông qua việc sử dụng thiết bị công nghệ BCI cấy ghép xâm lấn tối thiểu không dây có tên là NEO.
Thí nghiệm đã cấy hai bộ xử lý BCI có kích thước bằng đồng xu vào hộp sọ của bệnh nhân và thu thập thành công các tín hiệu thần kinh nội sọ ở vùng não cảm giác vận động. Khi sử dụng ở nhà, máy bên ngoài cung cấp năng lượng cho máy bên trong cơ thể bệnh nhân thông qua da đầu, nhận tín hiệu thần kinh từ não và truyền đến máy tính hoặc điện thoại di động để đạt được kết nối giao diện não-máy tính.
Những người đứng đầu nhóm nghiên cứu khi trả lời truyền thông Trung Quốc tuyên bố, so với công nghệ của Neuralink, công nghệ NEO có ưu điểm vượt trội về độ an toàn và có thể sử dụng lâu dài. Họ cũng nhấn mạnh, điều này đồng nghĩa với việc công nghệ BCI của Trung Quốc đã ở vị trí hàng đầu thế giới, đem lại hướng đi mới cho việc chẩn đoán và điều trị các bệnh như đột quỵ, hội chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS) và trầm cảm trong tương lai.
Bình luận