• Zalo

Trung Quốc – Philippines ‘đọ’ thiệt hại kinh tế

Thế giớiThứ Tư, 16/05/2012 04:22:00 +07:00Google News

(VTC News) - Báo giới hai nước cùng tuyên bố đối phương sẽ thiệt hại nặng về kinh tế, ngoại giao nếu không có cách tháo gỡ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

(VTC News) - Báo giới hai nước cùng tuyên bố đối phương sẽ chịu thiệt hại nặng về kinh tế và ngoại giao nếu không tìm cách tháo gỡ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Tờ ABS – CBN của Philippines cho biết, nếu Trung Quốc cấm nhập khẩu chuối từ Philippines thì ít nhất 200.000 công nhân đồn điền chuối của nước này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo tờ Philippine Daily Inquirer, thị trường Philippines chỉ chiếm 0,9% tổng lượng xuất khẩu của Trung Quốc. “Do đó, trong trường hợp hai bên cùng thực hiện cấm vận, thiệt hại nặng sẽ thuộc về chúng ta”, tờ báo của Philippines kết luận.
Tàu chiến lớn nhất Philippines mang tên BRP Gregorio Del Pilar

Còn theo tờ Manila Times, từ hôm 10/5 tới nay, có gần 2.000 khách du lịch Trung Quốc đã hủy tour tới Philippines. Ước tính mỗi khách du lịch mang lại cho Philippines 90 – 120 USD.

Song Philippines cho rằng họ vẫn nắm giữ lợi thế nhất định. Theo Manila Times, hiện có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang làm ăn ở Philippines, cho dù “họ có rút hết đi thì thiệt hại kinh tế cũng là không đáng kể”.

Tờ Manila Times cũng khẳng định, thương hiệu hàng giá rẻ của Trung Quốc nếu mất chỗ đứng ở Philippines thì cũng khó bề làm ăn bởi uy tín bị ảnh hưởng.


Trong diễn biến mới nhất, Philippines tuyên bố không chấp nhận lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông. Lệnh cấm được gọi là “thực thi chủ quyền lãnh hải Trung Quốc” bao gồm nhiều phần biển, đảo đang mà Trung Quốc, Philippines và một số quốc gia cùng có tuyên bố chủ quyền.

Lệnh cấm mà Trung Quốc đơn phương áp đặt kéo dài trong hai tháng rưỡi, từ ngày 16/5 tới ngày 1/8/2012. Cục Quản lý Nghề cá thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tuyên bố các tàu cá sẽ không được đánh bắt trong khoảng thời gian này.

Những người vi phạm sẽ bị tịch thu công cụ nghề cá và bị phạt tiền lên tới 50.000 Nhân dân tệ (khoảng 7.936 USD).


Việt Nam đã lên tiếng phủ nhận lệnh cấm và coi đây là điều không có giá trị pháp lý. "Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982", ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố. Ông Nghị cũng cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc để phản đối lệnh cấm.

Ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam: "Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là vô giá trị"

Philippines nói họ cũng sẽ ra lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực biển thuộc chủ quyền. Tổng thống Phlippines Benigno Aquino cho biết, nước này cũng quan tâm đến vấn đề bảo tồn tài nguyên cá và sẽ có lệnh cấm ngư dân trong và ngoài nước xâm phạm khu vực bảo vệ.

Đáp lại động thái của Philippines, một số trang mạng Trung Quốc cho đây là sự “ngầm công nhận lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc”. Trong khi đó, báo giới Philippines đồng loạt lên tiếng phản đối Trung Quốc và kêu gọi đưa sự việc ra Tòa án Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Itlos) nhưng Bắc Kinh chính thức từ chối tham gia.

Hôm nay, 16/5, cả Trung Quốc và Philippines đều có dấu hiệu ‘hạ nhiệt’ trong phát ngôn sau những căng thẳng suốt hơn một tháng qua. Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố: “Tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ mau chóng được giải quyết qua con đường ngoại giao”.

Ở Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng khẳng định sẽ “cùng Philippines nghiên cứu cách giải quyết vấn đề và cùng khai thác, cùng có lợi”.

Nếu xét về số lượng tàu bè đang có mặt tại khu vực tranh chấp Scarborough/ Hoàng Nham thì Trung Quốc đang tỏ ra vượt trội với 3 tàu lớn, 7 tàu cá và 23 xuồng nhỏ; trong khi Philippines chỉ có 2 tàu của Lực lượng Tuần tra Bờ biển, Cục Các tài nguyên biển và Nghề cá cùng 5 tàu cá.

Trên diễn đàn, mạng xã hội Trung Quốc thi thoảng lại xuất hiện bài viết cho hay Trung Quốc đang điều động quân đội và sẵn sàng cho chiến tranh. Những nguồn tương tự ở Philippines cũng tuyên bố “sẵn sàng đối đầu để bảo vệ lãnh hải”. Tuy nhiên, báo giới chính thống hai nước đều phủ nhận có điều động quân đội.
Tàu khu trục tên lửa cao tốc của Trung Quốc
Tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ

Kyodo News của Nhật Bản vài ngày trước đưa tin, bốn tàu tên lửa của Trung Quốc đã tới Scarborough/ Hoàng Nham. Bộ Quốc phòng Trung Quốc lập tức phủ nhận thông tin và cho hay đó chỉ là những tàu thuộc biên chế quân khu Quảng Châu – lực lượng được giao quyền “bảo vệ khu vực bãi đá Scarborough/Hoàng Nham đang tập huấn”.

Hôm qua, 15/5, tàu ngầm tấn công USS North Carolina cũng đã tới Philippines trong động thái được cả Mỹ và Philippines tuyên bố “hoạt động thường kỳ”.
  
Văn Việt








Bình luận
vtcnews.vn