• Zalo

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mong manh đến mức nào?

Thế giớiThứ Sáu, 11/01/2019 14:16:00 +07:00Google News

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc liên tục giảm và chạm đáy kể từ thời kỳ khủng hoảng đầu năm 2009, trong khi các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ của chính phủ nước này không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Tăng trưởng GDP Trung Quốc chậm lại tới 6,5% trong quý III năm 2018, con số yếu nhất kể từ thời điểm đáy khủng hoảng đầu năm 2009. UBS ngày 4/1 cho biết tăng trưởng quý IV còn có thể chậm hơn tới 6,2%. Hoàn Cầu thời báo đưa tin về tình trạng thất nghiệp rộng rãi trong lĩnh vực công nghệ vào tháng 12.

"Không khí đầu tư trong nước (Trung Quốc) chắc chắn rất tồi tệ, thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008" - Fred Hu, đối tác sáng lập của Primavera Capital, một nhóm cổ phần tư nhân có trụ sở tại Hong Kong, cựu chủ tịch Goldman Sachs cho biết.

"Về lý thuyết, Trung Quốc có vĩ độ rộng để thúc đẩy nhu cầu trong nước bù đắp cuộc chiến thương mại đánh vào nhu cầu bên ngoài. Nhưng khi tinh thần kinh doanh và tiêu dùng chùng xuống, chi tiêu tư nhân cho cả vốn và tiêu dùng có xu hướng giảm" - chuyên gia nói.

china-us-trade-war-3-0713560 3

 Các dấu hiệu tăng trưởng giảm không giới hạn ở Trung Quốc. (Ảnh: China Briefing)

Các dấu hiệu tăng trưởng giảm không giới hạn ở Trung Quốc. Năm nền kinh tế tiên tiến bao gồm Đức và Nhật Bản ghi nhận điều tương tự trong quý thứ ba. Tại Mỹ, gần một nửa số giám đốc tài chính được Đại học Duke khảo sát tin rằng nền kinh tế sẽ suy thoái vào cuối năm 2019 và 82 % dự đoán một cuộc suy thoái vào cuối năm 2020. Ngoài ra, tác động dồn nén của 9 lần tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể kéo nền kinh tế Mỹ đi xuống. 

Hơn cả những lo ngại này, câu hỏi đang đặt ra trên các thị trường toàn cầu là Trung Quốc dễ bị tổn thương như thế nào trước sự suy giảm mạnh hơn. Suy thoái gần đây đã xảy ra mặc dù tác động dự kiến đến xuất khẩu của Trung Quốc từ cuộc chiến thương mại chưa thành hiện thực.

Trên thực tế, các nhà phân tích cho rằng xuất khẩu có thể đã nhận được một đòn bẩy vào phút chót, khi các thương nhân giao hàng trước để tránh thuế tăng dự kiến từ 10% lên 25%. Nhưng động lực này bị trì hoãn do thỏa thuận đình chiến 90 ngày mà ông Trump thỏa thuận với ông Tập Cận Bình tại cuộc họp bên lề G20 ở Argentina vào tháng 12.

Nền kinh tế "thắt lưng buộc bụng"

Lần cuối cùng Trung Quốc gây lo ngại tương tự trên thị trường toàn cầu là gần 3 năm trước. Trong những ngày đầu năm 2016, một cơ chế "cầu dao" - với mục đích ngăn chặn sự sụt giảm không kiểm soát được ở thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến - bất thành. Cơ chế này gây hoảng hốt khiến chỉ số blue-chip (cổ phiếu của các công ty lớn) giảm 7% trong một ngày. Điều đó khởi đầu cho một giai đoạn 6 tháng đầy biến động, khi Bắc Kinh can thiệp thất bại, bong bóng thị trường chứng khoán vỡ và đồng tiền mất giá không được giải quyết tốt khiến tình trạng tháo chạy vốn tràn lan.

Trong ba năm kể từ đó, Trung Quốc dường như muốn chứng minh những nghi ngờ về mình là sai. Nước này thắt chặt kiểm soát vốn để ổn định tiền tệ, trong khi kích thích cơ sở hạ tầng và nhà ở, mang lại sự phục hồi nhanh chóng. Nền kinh tế "tỏa sáng" trong năm chuyển đổi chính trị quan trọng 2017 của ông Tập, được cho là cơ sở giúp ông củng cố quyền lực bằng cách loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ.

Bắt đầu từ giữa năm 2016, chính sách Trung Quốc đã chuyển từ kích thích sang thắt lưng buộc bụng, phản ứng với nhiều năm cảnh báo về rủi ro tài chính từ việc tích tụ nợ. Bên cạnh đó, "cơn bão chính sách" nhắm vào các hoạt động ngân hàng ngầm (shadow bank) - gắn liền với cho vay rủi ro, đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về tín dụng ngoại bảng (nằm ngoài bảng cân đối kế toán).

Tín dụng chặt chẽ hơn kết hợp với thực thi luật môi trường chặt chẽ hơn, nỗ lực đóng cửa các nhà máy cấp thấp - là một phần trong lời kêu gọi rộng rãi của ông Tập Cận Bình hướng tới một "kỷ nguyên mới", trong đó chất lượng tăng trưởng sẽ được ưu tiên hơn các mục tiêu định lượng.

"Ở một mức độ nào đó, sự chậm lại là kết quả từ các ưu tiên của chính phủ. Trung Quốc đang chuyển từ chi phí tương đối thấp sang chi phí cao, do đó, rất nhiều ngành công nghiệp cũ cần phải ngừng hoạt động" - ông Huang Yiping, Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, người rời khỏi ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trong tháng 6/2018 nhận định. "Các cuộc chiến chính sách kinh tế quan trọng như làm sạch môi trường và giải quyết rủi ro tài chính đều góp phần vào sự chậm lại của hoạt động kinh tế", ông nói.

Dù vậy, cả hai chiến dịch đẩy lùi ngân hàng ngầm và ô nhiễm đều gây ra hậu quả khó lường khi đánh vào các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn, đóng góp khoảng 60% tăng trưởng GDP và 90% việc làm mới. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả tiếp tục được hưởng quyền tiếp cận ưu tiên vào các khoản vay ngân hàng truyền thống.

Một làn sóng quốc tế hóa trên thực tế đã tấn công khu vực tư nhân Trung Quốc vào năm 2018 khi các công ty thiếu tiền mặt buộc phải bán cho các nhóm nhà nước có tài chính tốt hơn. Bên cạnh đó, nỗ lực tăng thu các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội từ các nhà tuyển dụng càng thêm vào áp lực chi phí.

Mặc dù có sự chậm lại, hầu hết các nhà kinh tế không dự báo suy thoái hoặc thậm chí giảm tốc độ tăng trưởng dưới 5% trong hai năm tới ở Trung Quốc. 

Ông Huang thừa nhận số liệu tốc độ tăng trưởng chính thức có thể đã được làm quá lên. Nhưng ông nói rằng cái gọi là chỉ số Lý Khắc Cường - một thước đo các chỉ số mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) nói riêng với một đại sứ Mỹ năm 2007 rằng ông thấy đáng tin cậy hơn GDP - vẫn chỉ ra mức tăng trưởng 6% hoặc chỉ thấp hơn một chút.

kinh-te-trung-quoc-cham-lai

 Kinh tế Trung Quốc chậm lại (phần trăm thay đổi hàng năm). (Đồ họa: Financial Times)

Trung Quốc không có nhiều lựa chọn

Các nhà đầu tư toàn cầu đang tự hỏi liệu bây giờ chính phủ Trung Quốc có hỗ trợ nền kinh tế với một sự kích thích mạnh mẽ hơn. Trong một cuộc họp nội các vào cuối tháng 7/2018, các nhà hoạch định chính sách nước này đã kêu gọi các biện pháp kích thích mới và đưa ra dẫn chứng về "những bất ổn trong môi trường bên ngoài" - ám chỉ căng thẳng thương mại đang gia tăng.

Kể từ đó, Trung Quốc thực hiện một loạt các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ, bao gồm bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng và bắt đầu các dự án cơ sở hạ tầng lớn như tàu điện ngầm. Nhưng quy mô của những nỗ lực này khiêm tốn hơn so với các đợt trong năm 2008-2009 và 2014-2015.

"Tôi không tin rằng họ sẽ kích thích lớn. Các nhà hoạch định chính sách biết rằng họ đã đạt đến giới hạn khi kích thích vẫn hữu ích. Vì vậy, chúng tôi bị mắc kẹt với các kích thích nhẹ" - Yukon Huang tại Carnegie Endowment và cựu giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc nói.

Cách tiếp cận kích thích nhẹ của chính phủ Trung Quốc một phần phản ánh linh hoạt chính sách đã giảm so với năm 2008. Số tiền đầu tư vốn mới cần thiết để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP nhất định đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2007, theo phân tích của Moody. Nói cách khác, kích thích đầu tư không hiệu quả mấy với Bắc Kinh, ngay cả khi nó làm tăng thêm mức nợ.

Nhưng kích thích hạn chế đã khiến thị trường bị chìm. Chỉ số CSI 300 của các blue-chip đã giảm 25% trong năm 2018, bao gồm 15% kể từ cuộc họp nội các tháng 7.

Do đó, chính phủ Trung Quốc dường như đang đẩy mạnh hỗ trợ để phát triển. Tại hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc thường niên vào cuối tháng 12/2018, trong đó đưa ra chương trình nghị sự chính sách cho năm tới, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cam kết cắt giảm thuế hơn nữa và báo hiệu nới lỏng tiền tệ.

Chứng khoán toàn cầu đã tăng trở lại vào ngày 4/1 sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC cắt giảm yêu cầu dự trữ ngân hàng đi 117 tỷ USD để bơm tiền mặt mới tăng cường cho vay.

"Họ nói rằng (Bắc Kinh) sẽ sớm không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tung ra các biện pháp kích thích lớn" - Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng châu Á Thái Bình Dương tại Natixis ở Hong Kong nói. "Không còn thời gian để thận trọng nữa. Không có tăng trưởng cuối cùng vẫn là kết quả tồi tệ nhất."

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn