• Zalo

Trung Quốc - Philippines tiếp tục “dậy sóng”

Thế giớiThứ Hai, 23/04/2012 01:45:00 +07:00 Google News

Quân đội Philippines tuyên bố sẵn sàng bảo vệ đất nước nếu bị tấn công.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vừa kêu gọi các quốc gia khác thể hiện rõ lập trường trước hành động của Trung Quốc liên quan tới tranh chấp tại bãi cạn Scarborough.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vừa kêu gọi các quốc gia khác thể hiện rõ lập trường trước hành động của Trung Quốc liên quan tới tranh chấp tại bãi cạn Scarborough.

Ông Albert del Rosario khẳng định, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông là điều không có căn cứ và nếu không lên tiếng từ bây giờ, mọi quốc gia sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi.
Tàu ngư chính hiện đại nhất của Trung Quốc có mặt tại bãi cạn Scarborough (Ảnh: CNTV)   

Hãng tin AFP dẫn lời Ngoại trưởng Rosario nhấn mạnh: “Tự do đi lại và thương mại ở biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia. Do đó, tất cả cần xem xét Trung Quốc đang muốn làm gì ở bãi cạn Scarborough. Tất cả, không chỉ Philippines, sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu chúng ta im lặng”.

Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp ngoại giao tới tranh chấp tại bãi cạn Scarborough và tỏ rõ quyết tâm đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS) nếu cần. Trước đó, Manila từng đề nghị nhờ ITLOS phân xử nhưng Bắc Kinh từ chối.

Báo Manila Bulletin dẫn lời ông Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Chúng ta kêu gọi những người bạn ở Trung Quốc cùng đưa vấn đề này lên ITLOS nếu họ cảm thấy tuyên bố chủ quyền của mình có đầy đủ cơ sở pháp lý... Nếu không thì chúng ta vẫn sẽ tự mang vụ việc ra tòa”.

Quân đội Philippines sẵn sàng đáp trả nếu bị tấn công

Trong khi đó, một quan chức quân sự Philippines tuyên bố, binh lính nước này sẵn sàng bảo vệ đất nước nếu bị Trung Quốc tấn công ở bãi đá ngầm Scarborough hay những vùng lãnh thổ tranh chấp khác.

Tuy nhiên, vị quan chức này khẳng định, ông mong muốn tranh chấp được giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua phân xử quốc tế.

Phát biểu trong buổi lễ khánh thành một trường học do quân Phippines và Mỹ tham dự cuộc tập trận Balikatan xây dựng, Chỉ huy Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang miền Tây Juancho Sabban nói, quân đội nước ông sẵn sàng bảo vệ người dân và quốc gia trong trường hợp nếu bị Bắc Kinh tấn công xung quanh chuyện tranh chấp.
Lính Philippines và Mỹ tập trận chung 

Vị tướng đã đáp trả một cảnh báo từ Trung Quốc cho rằng, cuộc tập trận quân sự Balikatan đang diễn ra giữa Mỹ và Philippines có thể dẫn đến xung đột vũ trang với Trung Quốc. Ông Sabban khẳng định, tập trận được tổ chức suốt 28 năm qua.

Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ hành động trước bất kỳ mối đe dọa nào, không chỉ đến từ Trung Quốc. Lực lượng vũ trang Philippines luôn kiên định bảo vệ lãnh thổ của mình”.

Chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở Thái Bình Dương Duane Thiessen tuyên bố, Mỹ sẽ không ngừng cuộc tập trận hàng năm với Philippines.

Ông bác bỏ quan điểm của Trung Quốc rằng, cuộc diễn tập là một phần thể hiện chiến lược duy trì hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương: “Mỹ chưa bao giờ rời khỏi Thái Bình Dương, chúng tôi không bao giờ muốn rời khỏi Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ ở lại nhiều năm nữa”.

Trước đó, tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cáo buộc cuộc diễn tập giữa Mỹ và Philippines đang “thổi bùng nguy cơ xung đột vũ trang trong tranh chấp tại biển Đông”.

Tại một diễn đàn an ninh khu vực diễn ra ở Campuchia hồi tuần trước, chuyên gia Amitabh Mattoo từ Đại học Melbourne (Australia) nhận định, Trung Quốc không thể tránh khỏi việc quốc tế hóa tranh chấp.

Các tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc căng thẳng giữa Manila - Bắc Kinh dâng cao xung quanh bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). Từ ngày 8/4 đến nay, hai bên liên tục đưa tàu đến vùng biển này và cáo buộc bên kia “quấy rối” tàu của mình.

Trong động thái mới nhất, Trung Quốc điều động tàu Ngư chính 310 đến Scarborough và hiện nước này đang có 2 tàu “gườm nhau” với 1 tàu tuần duyên Philippines trong khu vực.

Tranh chấp có thể được giải quyết thông qua ngoại giao

Vụ việc hôm 8/4 và 17/4 không phải là lần đầu tiên xảy ra va chạm giữa tàu thuyền Philippines và Trung Quốc ở khu vực tranh chấp Biển Đông. Đã có rất nhiều những vụ đụng độ căng thẳng như vậy xảy ra trong những năm trở lại đây.

Tuy nhiên, trong những lần va chạm trước đây, lần nào sóng gió cũng nổi lên nhưng sau đó, hai bên đều tìm cách dàn xếp ổn thỏa và Biển Động lại trở về trạng thái “sóng yên biển lặng”.

Cũng như mọi cuộc đối đầu trước đây, các nhà phân tích tin rằng, lần va chạm giữa tàu thuyền hai nước Philippines và Trung Quốc mới nhất này cuối cùng rồi cũng sẽ được giải quyết bằng con đường ngoại giao bất chấp những ồn ào đáng ngại thời gian qua.

Lý do rất đơn giản là cả hai đều không muốn xảy ra một cuộc xung đột vũ trang, đặc biệt là Trung Quốc. Dù không bên nào chịu nhường bên nào nhưng cả Manila và Bắc Kinh đều đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc đối đầu mới nhất giữa họ.

Trung Quốc và Philippines không muốn những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa họ leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang đẫm máu.

Về phía Manila, nước này thừa hiểu một cuộc xung đột vũ trang với nước láng giềng Trung Quốc khổng lồ sẽ gây tổn thất lớn cho họ. Trong khi đó, Bắc Kinh lại càng có nhiều lý do để không gây ra một cuộc chiến tranh với Philippines.

Theo VOV

Bình luận
vtcnews.vn