(VTC News) -Báo Nga nói Mỹ và EU đang cố gắng cứu vãn chiến dịch 'chia cắt Ukraine' và cô lập Nga trong khi người Crưm đã được nhận hộ chiếu Nga.
Đến cuối tuần trước, Crưm và Sevastopol cuối cùng đã trở về Nga một cách hoàn toàn hợp pháp.
Duma Quốc gia và sau đó là Hội đồng Liên bang đã thông qua gói văn kiện pháp lý cần thiết cho việc sát nhập nước cộng hòa và thành phố thành chủ thể của Liên bang Nga.
Các lãnh đạo Crưm và Tổng thống Putin |
Trong thực tế, Crưm đã trở thành một phần của Nga từ ngày 18/3, khi Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch quốc hội Crưm Vladimir Konstantinov, Thủ tướng nước Cộng hoà Sergey Aksenov và Thị trưởng thành phố Sevastopol Alexey Chalyi đã ký hiệp ước.
Tâm trạng tại Hội trường St George trong điện Kremly ít khi phấn chấn, hân hoan như trong ngày hôm ấy.
Tổng thống Vladimir Putin gọi đây là sự kiện lịch sử và lưu ý rằng cuộc trưng cầu dân ý về Crưm hôm 16/3 đã tuân thủ đầy đủ các thủ tục dân chủ và các nguyên tắc luật pháp quốc tế.
Tổng thống Nga nói: “Hơn 82% cử tri đã đi bầu. Hơn 96% số phiếu lựa chọn sát nhập với Nga. Đó là con số cực kỳ khẳng định. Để hiểu lý do tại sao có sự lựa chọn như vậy, cần phải biết lịch sử Crưm, cần phải biết rằng nước Nga đã và đang có nghĩa như thế nào đối với Crưm, và Crưm đã và đang có nghĩa như thế nào đối với Nga”.
Cả tuần qua, Matxcơva, Simferopol (thủ phủ Crưm) và Sevastopol (thành phố có cơ chế đặc biệt và là căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen) đang làm "thủ tục giấy tờ", nghĩa là làm tất cả biện pháp pháp lý cần thiết để sát nhập Crưm với Nga.
Còn Washington và EU thì cố gắng cứu vãn chiến dịch 'chia cắt Ukraine' và cô lập Nga, theo tường thuật của Tiếng nói nước Nga.
Washington đã đưa hàng chục quan chức Nga, các chính trị gia và doanh nhân Nga vào danh sách đen và đóng băng tài khoản của họ trong các ngân hàng Mỹ.
Trong danh sách đó có cả ông Vladimir Yakunin, người đứng đầu Tập đoàn vận tải đường sắt lớn nhất của Nga.
Báo Nga bình luận rằng "rất khó giải thích vì sao sự cải thiện mạng lưới đường sắt (được hàng triệu người Ukraine sử dụng) lại có thể biến nhà lãnh đạo chính của đường sắt Nga thành có tội".
Liên minh châu Âu bổ sung thêm vào 'biện pháp trừng phạt Crưm' chống lại Nga hơn một chục tên tuổi của các quan chức Nga và hủy bỏ việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh EU-Nga dự kiến vào ngày 3/6 tại Sochi.
Người Crưm ăn mừng việc gia nhập Nga |
Động thái của châu Âu bị báo Nga châm biếm: "Điều đó thật là khó chịu, nhưng không đến nỗi chết người".
Cho dù Washington gây sức ép với châu Âu đến mức nào đi nữa, 'hội nghị thượng đỉnh Ukraine' của EU ngày 20-21 tháng 3 đã không đưa ra biện pháp trừng phạt đặc biệt nào đối với Matxcơva.
Không có biện pháp trừng phạt thương mại nào được công bố. Không nước nào ở châu Âu muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại với Nga vì sự thất bại của dự án Mỹ ở Ukraine.
Người Crưm sau ngày trưng cầu dân ý lịch sử |
Báo chí phương Tây nói sở dĩ EU không dám 'mạnh tay' với Nga bởi nhiều thành viên EU đang sử dụng nguồn khí đốt, khí sưởi ấm từ Nga.
Nếu Matxcơva cắt nguồn khí đốt, EU sẽ thực sự trải qua tình trạng đóng băng theo đúng nghĩa đen của nó, trước khi mối quan hệ ngoại giao với Nga trở nên 'giá lạnh'.
Tại hội nghị, nhiều quốc gia đã công khai phản đối cuộc chiến thương mại với Nga. "Sự leo thang xung đột xung quanh Ukraine sẽ có hậu quả tai hại cho những người tham gia, cho chúng ta và cho châu Âu" - Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo cho biết.
Thay vào đó, lãnh đạo các nước hàng đầu châu Âu "cần phải đến Nga để thúc đẩy cuộc đối thoại với Ukraine và giảm căng thẳng trong khu vực" và "không cầm đèn chạy trước ô tô với biện pháp trừng phạt," ông Di Rupo nói.
Hiện nay, thủ tướng Bulgaria Plamen Oresharski cũng phát biểu chống trừng phạt kinh tế đối với Nga. Trước đó, tại Đức, người dân khi được tham dò ý kiến đã phản đối lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.
Rất nhiều doanh nhân Đức đang làm ăn tại Nga, nếu Nga trả đũa bằng lệnh trừng phạt, người Đức cũng sẽ thiệt hại hàng tỷ USD
Phương Mai (Theo Tiếng nói nước Nga)
Bình luận