Mối quan hệ giữa Philippines và đồng minh thân cận Mỹ chưa bao giờ chênh vênh đến vậy kể từ sau tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền, CNN nhận định.
Dù mới hoàn thành 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, nhưng Tổng thống Philippines đã làm tốn không biết bao giấy mực của báo giới với hàng loạt các phát ngôn gây sốc nhắm vào Washington.
Gần đây nhất, trong tuyên bố hôm 11/10, Tổng thống Philippines cho biết ông sẽ không chấm dứt hiệp ước quốc phòng với Mỹ nhưng lại hoài nghi về hiệp ước này cũng như của các cuộc tập trận chung bởi ông cho rằng điều này chỉ có lợi cho Washington. Ông cũng không tiếc lời khi chê Mỹ là kiêu ngạo và bất lực khi không thể ngăn Nga sáp nhập bán đảo Crưm.
Cùng với đó, ông Duterte cho rằng thay vì giúp đỡ, người Mỹ và đặc biệt là Tổng thống Obama lại lên án và tỏ ra bất mãn với chiến dịch chống ma túy gây nhiều tranh cãi của mình. Ông cũng chẳng ngại nói Tổng thống Obama nên 'biến xuống địa ngục' vì liên tục can thiệp vào chuyện của bảo vệ an ninh đất nước và lợi ích của người dân Philippines của mình.
Trước hàng loạt những phát ngôn không mấy thiện chí như vậy, các quan chức Mỹ cho biết Washington đang hết sức kiềm chế và sẽ không tạo thêm cớ để vị tổng thống bạo miệng này công kích thêm.
Nhưng theo CNN, việc Tổng thống Philippines liên tục công kích Mỹ đang đặt ra dấu hỏi lớn cho tương lai của liên minh giữa Manila và Washington dù cho rằng lúc này mối quan hệ đang vẫn đang có vẻ 'sóng yên bể lặng'.
Nguy hiểm hơn, nếu ông Duterte làm đúng như những gì mà ông nói là tiến gần hơn về phía Nga hay Trung Quốc, chiến lược an ninh của Mỹ ở Đông Á chắc chắn sẽ bị suy yếu một cách đáng kể. Một Manila đi theo quỹ đạo của Matxcơva và Bắc Kinh sẽ làm suy yếu khả năng bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông của Washington, CNN nhận định.
Ngày 12/7, chưa đầy 2 tuần sau khi ông Duterte lên nắm quyền, Tòa án trọng tài thế giới PCA tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, sau phán quyết mang tính lịch sử này, ông Duterte lại có vẻ không mấy mặn mà cho lắm. Thay vào đó, ông quan tâm nhiều hơn đến việc dùng Trung Quốc như một cứu cánh để tránh bị cô lập sau khi tuyên bố rằng Mỹ là một mối đe dọa tới lợi ích của người Philippines.
Trump hoặc Clinton sẽ làm gì?
Có một điều chắc chắn rằng, một người cũng nổi tiếng với những phát ngôn gây sốc không kém như Donald Trump sẽ chẳng bao giờ chịu ngồi yên nếu một ai đó như Tổng thống Philippines có những lời lẽ không mấy tốt đẹp nhắm về mình, CNN nhận xét.
Vì vậy, giới quan sát cho rằng nếu tỷ phú người Mỹ đắc cử, mối quan hệ giữa Manila và Washington có thể sẽ tuột dốc không phanh đặc biệt là khi Trump không nhìn thấy lợi ích của Mỹ trong liên minh giữa hai nước.
Hai cái đầu nóng sẽ không thể đảm bảo cho một mối quan hệ ngoại giao ổn định và cũng chẳng có gì có thể đảm bảo rằng Trump sẽ nhắm mắt cho qua những lời lăng mạ để duy trì mối quan hệ gần gũi và lâu dài giữa Washington và Manila.
Còn với ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, nhiều khả năng bà vẫn sẽ duy trì lối ngoại giao hòa nhã truyền thống mà Tổng thống Obama vẫn đang áp dụng.
Theo CNN, nhìn bên ngoài, cựu Ngoại trưởng Mỹ có vẻ tỏ ra hiếu chiến hơn so với tổng thống đương nhiệm nhưng theo các chuyên gia, bà là người sẵn sàng ngó lơ những lời lăng mạ của mình để theo đuổi một tầm nhìn dài hạn.
Với việc đặt nhiều mối quan tâm với Bắc Kinh, bà Hillary sẽ tìm cách liên hệ và kết thân để tạo ra mối quan hệ an ninh chặt chẽ với các nước dọc bờ biển Trung Quốc và Philippines chắc chắc sẽ không phải là ngoại lệ.
Video: Tổng thống Philippines nói ông Obama 'biến xuống địa ngục'
Cho đến nay, dù nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình nhưng người ta vẫn chưa rõ ông Duterte đang theo đuổi và toan tính điều gì. Một Duterte nóng tính nhưng ít hành động sẽ có lợi cho Mỹ nhưng với một Duterte 'lời nói đi đôi với làm' sẽ là một mối đe dọa thực sự, CNN kết luận.
Bình luận