Vingroup và Thaco (Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải) đang ngang ngửa nhau về con số doanh thu với khoảng trên 60.000 tỷ đồng năm 2016.
Việc đầu tư “tay ngang” sang bất động sản không phải là xu thế mới. Các doanh nghiệp lớn như Thaco, Kido, Sabeco, Eurowindow và nhiều ngân hàng đều không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, lần đầu tiên ở Việt Nam, một tập đoàn bất động sản hàng đầu lại rẽ ngang sang làm ô tô.
Những người dẫn đầu
Vingroup hiện nay được đánh giá là tập đoàn phát triển bất động sản số 1 Việt Nam. Xét về quy mô, năm 2016, Vingroup đã ra mắt thành công 24 dự án trên toàn quốc, tổng lượng bán ra đạt 15.000 căn với doanh số kỷ lục 83.000 tỷ đồng.
Chỉ trong vài năm, Vingroup đã nhanh chóng đi từ mô hình đô thị đồng bộ tiện ích lên mô hình đô thị đồng bộ - xanh, và hiện tại đang triển khai mô hình đô thị tích hợp 3 trong 1 “đồng bộ - xanh - thông minh”.
Đặc biệt, cuối năm 2016, tập đoàn này đã đánh dấu bước tiến mới với việc ra mắt thương hiệu bất động sản đại chúng VinCity. Đây là sự kiện bước ngoặt, đưa Vingroup tham gia toàn diện thị trường bất động sản với tầm ảnh hưởng tới tất cả các phân khúc trên thị trường.
Năm 2017, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần lên đến 80.000 tỷ đồng từ các lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô số 1 Việt Nam – Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng không hề kém cạnh. Thành lập từ năm 1997, đến nay Thaco đã có kinh nghiệm 20 năm trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Năm 2016, tổng dung lượng ô tô bán ra của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đạt 271.833 xe, trong đó Thaco đạt 112.847 xe, tăng trưởng 40% so với 2015, chiếm 41,5% thị phần VAMA.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp Thaco dẫn đầu thị trường ô tô cả nước. Tổng doanh thu năm 2016 của Thaco đạt gần 65.000 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD), tăng 41% so với 2015.
Hai cú rẽ ngang
Sau khi đã lên đỉnh cao của ngành sản xuất ô tô trong nước, doanh nhân Trần Bá Dương quyết thử sức với bất động sản khi từ nhiệm Tổng giám đốc Thaco, vẫn tiếp tục nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT, đồng thời làm Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Đại Quang Minh.
Đại Quang Minh được thành lập năm 2011 với sự bắt tay của 4 cổ đông là Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) nắm 45% vốn, Công ty CP Đầu tư Mai Linh nắm 37,5%, ông Trần Đăng Khoa (vốn là người khá nổi tiếng trong giới địa ốc, kể từ khi ông buôn bán rất thành công căn hộ cao cấp ở dự án “nóng bỏng” hồi 2007 là Keangnam Landmark Tower) và Công ty CP Thương mại quốc tế và Tư vấn đầu tư Invecon nắm 17,5%.
Hiện nay, Thaco đang nắm giữ 90% cổ phần của Đại Quang Minh, ông Trần Đăng Khoa giữ 5%, còn lại là các cổ đông khác. Với ông chủ hiện nay là ông Trần Bá Dương, Thaco sẽ không cần phải “bàn bạc” với ai trong việc điều hành các dự án, không chỉ là Sala - khu đô thị có giá trị bậc nhất Việt Nam - mà còn một loạt dự án khác của công ty này tại Thủ Thiêm.
Từ khi được Thaco rót vốn đến nay, Đại Quang Minh đã đổ hàng nghìn tỷ đồng vào Thủ Thiêm. Cuối 2014, Đại Quang Minh “nổi như cồn” với việc bỏ ra 8.265 tỷ đồng để đầu tư 4 tuyến đường tuyến đường tại Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức BT.
Có cổ đông lớn là Thaco, người đứng Trần Bá Dương, Đại Quang Minh cũng không chật vật trong việc tìm kiếm các nguồn vốn để triển khai các dự án bất động sản. Trong dự án Cầu Thủ Thiêm 2 và 9 lô đất đối ứng, BIDV tài trợ tín dụng cho công ty tới 4.200 tỷ đồng. BIDV cũng là đơn vị tài trợ vốn cho dự án Khu đô thị Sala.
Tuy nhiên, về kết quả kinh doanh cho đến nay, doanh thu của Đại Quang Minh năm 2016 vẫn chưa có số liệu chính thức. Sau khi nắm quyền sở hữu Đại Quang Minh, giá trị hàng tồn kho của Thaco cũng đã tăng vọt từ 14.500 tỷ đồng cuối quý III lên tới gần 27.000 tỷ đồng cuối năm 2016. Đến hết quý I/2017, hàng tồn kho của Thaco là hơn 28.300 tỷ đồng. Trong đó, gần 10.400 tỷ đồng là bất động sản dở dang.
Đại gia bất động sản mới nổi này còn đề xuất kế hoạch tham vọng: xây quảng trường lớn nhất Việt Nam tại Thủ Thiêm. Theo nguồn tin từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, dự án sẽ được Đại Quang Minh thực hiện theo hình thức hợp đồng BT và được cấn trừ vào số tiền chênh lệch mà nhà đầu tư còn phải nộp (khoảng 1.800 tỷ đồng) theo hợp đồng BT dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong khi đó, ngày 2/9/2017, sau những thành công trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, y tế, giáo dục, nông nghiệp, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thể hiện ý đồ đầu tư vào lĩnh vực mới khi chính thức khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại Khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) với tổng mức đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD.
Là tập đoàn bất động sản hàng đầu “rẽ ngang” sang công nghiệp sản xuất nhưng Vingroup lại không đi theo lộ trình phân phối, lắp ráp mà ngay lập tức tuyên bố sản xuất xe hơi thương hiệu Việt và đặt mục tiêu đầy tham vọng trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á.
Việc Vingroup quyết định bước sang lĩnh vực sản xuất ô tô và tuyên bố sau 2 năm sẽ cho ra sản phẩm xe hơi đầu tiên, với tỷ lệ nội địa lên đến 60% khiến nhiều người đặt dấu hỏi về khả năng thành công, khi mà ngành công nghiệp ô tô trong nước trải qua 20 năm nhưng vẫn chỉ luẩn quẩn ở việc lắp ráp, với tỷ lệ nội địa hóa dưới 10%.
Thaco sau nhiều năm đầu tư lớn mới mong tiến đến mục tiêu nội địa xe con thương hiệu Nhật Bản ở mức 40%, hiện là 18%, phân khúc xe bus và xe tải thì đạt mức khả quan hơn 30-50%.
Nói về năng lực, ông Trần Bá Dương từng cho biết, Thaco hoàn toàn có thể sản xuất xe con thương hiệu Việt với tỷ lệ nội địa hóa trên 40% nhưng Thaco lại chưa bao giờ nghĩ đến “giấc mộng” ô tô con, vì như ông Dương đã từng giải thích với truyền thông, dù sản xuất thì “chắc chắn những chiếc xe đó của tôi sẽ không bán được, khi các tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế, chất lượng khó lòng mà cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế, vốn đã có cả trăm năm phát triển mạnh mẽ”.
VINFAST tạo hẳn một thương hiệu xe con riêng và hướng đến mục tiêu nội đia hóa 60%. Có lẽ chiến thuật mua công nghệ và làm chủ thương hiệu khiến các ràng buộc và chất lượng cũng như thương mại của đối tác dễ thở hơn, tạo điều kiện để Vingroup đẩy mạnh tốc độ nội địa hóa.
Dự án mới trong mảng kinh doanh cốt lõi thứ 7 (sau bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế, nông nghiệp, bán lẻ) của Vingroup cũng được đánh giá là sẽ được hưởng hàng loạt các chính sách ưu tiên, khuyến khích của Chính phủ.
Chẳng hạn, tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Vingroup sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi cực kỳ tốt mà Chính phủ đưa ra để khuyến khích các nhà đầu tư, chẳng hạn như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm, lao động tại VINFAST được giảm thuế thu nhập cá nhân 50% trong suốt đời dự án…
Video: Giấc mơ ô tô Việt có thành hiện thực sau quyết định đầu tư của Vinfast
Sự trùng hợp ngày lễ khởi công VINFAST và lễ thông xe cầu vượt biển Tân Vũ cũng cho thấy một trong những tính toán kỹ lượng của doanh nhân Phạm Nhật Vượng khi thực hiện dự án sản xuất ô tô 3,5 tỷ USD.
Ngoài việc chọn địa điểm khôn ngoan với chính sách ưu đãi thì yếu tố khác quyết định sự khả thi của dự án là tiềm lực kinh tế và khả năng huy động vốn của Vingroup. Dự án này bước đầu được tập đoàn tài chính Thụy Sĩ Credit Suisse thu xếp vốn lên tới 800 triệu USD và có thể tăng lên theo nhu cầu phát triển của VINFAST. Thêm vào đó là kế hoạch hợp tác với các hãng công nghệ hàng đầu thế giới và chiến dịch “săn đầu người” đầy quyết đoán cho những vị trí trọng yếu.
Có chuyên gia cho rằng, đa ngành là giấc mơ của hầu hết các anh cả tài ba dù không ít các “anh cả” đa ngành đang “ngắc ngoải” ôm theo đống nợ khổng lồ.
Tuy vậy, những gì mà Vingroup đã làm được trong 6 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và những yếu tố cần và đủ trên khiến dư luận cũng như các chuyên gia cũng phần nào tin tưởng về mức độ thành công của dự án sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt của tập đoàn bất động sản số 1 Việt Nam. Và những tham vọng của đại gia ô tô Thaco trong những dự án bất động sản liệu giúp doanh nghiệp này tiếp tục củng cố vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam?
Bình luận