• Zalo

Trực tiếp: Thủ tướng trả lời chất vấn

Chính trịThứ Ba, 10/11/2020 07:45:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

11h30: Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, những phiên thảo luận vừa qua có sự trao đổi, tranh luận sổi nổi.

Tổng cộng có 122 đại biểu Quốc hội chất vấn, 6 người chất vấn 2 lần, 41 đại biểu tranh luận; 3 Phó Thủ tướng, 15 Bộ trưởng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao đã trả lời các vấn đề liên quan. Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cũng trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

11h: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, như tại Nhật Bản, châu Âu dịch quay trở lại. Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra cộng đồng và để giữ được đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, giữ ổn định xã hội, giải quyết việc làm, có sự tăng trưởng cần thiết.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đề cao tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, bảo đảm an toàn cung ứng, chú trọng thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế. Đến nay chúng ta đã xuất siêu gần 20 tỷ USD.

Chúng ta phải giữ vững sản xuất nông nghiệp, chỗ dựa trong dịch bệnh, song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp với kinh tế số, du lịch. Thay đổi phương thức làm việc, vận hành trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế...) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa... hướng đến phát triển nền kinh tế không tiếp xúc.

10h45: Chính phủ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân chủ quan, khách quan qua đợt bão lũ vừa qua tại miền Trung và sẽ tập trung các giải pháp khắc bất cập hạn chế đối với hồ thủy lợi-thủy điện nhỏ, đẩy mạnh trồng rừng, xử nghiêm các vụ phá rừng, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tăng cường năng lực dự báo, ban hành chiến lược ứng phó thiên tai.

10h30: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại bài học về sức mạnh của tinh thần đoàn kết được khẳng định trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2020 khi Việt Nam đối phó dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng hoàn thành tốt các trọng trách như chủ nhà ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc…

Chúng ta đang nhìn thấy nguồn năng lượng cực lớn ở thế hệ trẻ, tinh thần khởi nghiệp, nhiều ý tưởng táo bạo, sáng tạo độc đáo, vì vậy, chúng ta cần trang bị kỹ năng cần thiết cho thanh niên, tạo nhiều việc làm mới, cần có cơ chế thu hút nhân tài.

Trực tiếp: Thủ tướng trả lời chất vấn  - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Thủ tướng cho biết 6 năm qua chúng ta đã tạo 28 triệu việc làm mới. Nền kinh tế được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, tương đương 9.000 USD tính theo ngang bằng sức mua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% xuống dưới 3% và cần nỗ lực để giảm nghèo bền vững đặc biệt ở nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp.

Thủ tướng ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội về mức lương quá thấp của gần 1 triệu người nghỉ hưu trước 1993 và giao Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng phương án bảo đảm nguồn lực, tài chính để thực hiện.

10h20:Thủ tướng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã tập trung xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, vẫn còn những hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Thời gian tới, tiếp tục tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư kinh doanh làm ăn.

Thủ tướng ghi nhận ý kiến của các đại biểu về những bất cập trong cơ chế chính sách, xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm cần quan tâm.

Những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ trong 5 năm qua đã góp phần làm nên 350 nghìn doanh nghiệp thành lập, chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Mỗi năm, hàng triệu việc làm tạo ra trên cả nước…

Mức tăng trưởng đề ra cho năm 2021 còn khiêm tốn, nhưng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, những diễn biến chính trị trên thế giới có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng phải giữ được sự chủ động chiến lược. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động. Phải tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển nhanh, bền vững nhưng ổn định.

9h30: Trả lời câu hỏi đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) về ít đầu tư đường cao tốc ở phía nam, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết đầu tư cao tốc phụ thuộc quy hoạch, mặt bằng, địa chất, hiệu quả dự án, thu hút đầu tư… Thời gian tới chúng ta tập trung đầu tư cho phía nam, đặc biệt khu vực ĐBSCL.

9h20: Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời câu hỏi liên quan tới việc xử lý các chủ đầu tư chung cư chiếm đoạt kinh phí bảo trì.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, theo số liệu đến năm 2019, cả nước có khoảng 4.422 nhà chung cư, hơn 90% được quản lý vận hành an toàn, ổn định, gần 10% có tranh chấp và có vấn đề tồn tại, liên quan tới việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, chậm tổ chức ban quản trị, chậm bàn giao phí bảo trì và tranh chấp sử hữu chung-riêng, tranh chấp về một số vấn đề khác…

Nguyên nhân là một số quy định pháp lý còn chưa thật đầy đủ, rõ ràng như cách tính diện tích căn hộ, logia; một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án và chưa quan tâm dịch vụ sau bán hàng. Một số hợp đồng mua bán căn hộ chưa tuân thủ đúng quy định, chưa rõ ràng. Có tình trạng buông lỏng quản lý. Nhiều ban quản trị chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Những việc này gây ra nhiều bức xúc trên truyền thông và dư luận. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý nhà chung cư. Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản, bổ sung chế tài xử lý vi phạm hành chính và các địa phương cũng đã có nhiều cố gắng xử lý, Hà Nội đã chuyển nhiều vụ vi phạm cho các cơ quan điều tra xem xét, xử lý. Đến nay, sau hàng loạt giải pháp, tình hình tranh chấp nhà chung cư đã giảm hẳn, tuy vẫn còn nhưng không còn điểm nóng gây bức xúc.

Sắp tới, Bộ đề xuất sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, trong đó có vấn đề kinh phí bảo trì và quản trị nhà chung cư; sửa đổi Nghị định về xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

9h: Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với 14 triệu thuê bao, doanh thu 9.000 tỷ đồng.

Trực tiếp: Thủ tướng trả lời chất vấn  - 2

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Tổng số thuê bao của các nền tảng xuyên biên giới trên mạng Internet có khoảng 1 triệu thuê bao tại Việt Nam và doanh thu ước gần 1.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong nước cơ bản tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam trong khi các nền tảng xuyên biên giới có nhiều vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống…

Bộ TT&TT đang trình Chính phủ sửa đổi nghị định về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về thuế để gắn trách nhiệm với các nền tảng xuyên biên giới, và các giải pháp về kỹ thuật nhằm yêu cầu các nền tảng này tuân thủ pháp luật.

8h45: Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết qua các tính toán, kế hoạch thì mục tiêu đến năm 2025 ĐBSCL có ít nhất 300 km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi, đã bố trí đủ vốn thực hiện. Chính phủ đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào 2025. Ngoài các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đang tập trung vào 4 trục giao thông dọc, 4 trục ngang, tạo nên mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng ĐBSCL.

8h30: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi về vấn đề ô nhiễm không khí tại các đô thị. Theo Bộ trưởng, ví dụ, trong tháng 7/2020, chỉ số chất lượng không khí ở một số thành phố ở mức xấu, nhưng các chỉ số chung về ô nhiễm không khí  đối với các thành phố là ở mức bình thường, trừ chỉ số về bụi.

Thủ tướng đã ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí, hiện các cơ quan, địa phương đang triển khai.  

Trực tiếp: Thủ tướng trả lời chất vấn  - 3

Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Trong Luật Bảo vệ môi trường lần này cũng đã có đề cập nội dung này. Bộ cũng xem xét ban hành các quy chuẩn về không khí, với các tiêu chuẩn cao nhất của châu Âu. Chúng ta cũng xây dựng nhiều trạm quan trắc không khí. Bộ trưởng khẳng định, khi Luật Bảo vệ môi trường mới được thông qua thì rất nhiều nội dung sẽ được xử lý.

8h20: Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định sự tôn trọng xét xử của tòa án cấp dưới. Còn việc toà cấp dưới lúng túng trong áp dụng pháp luật thì tòa án cấp trên hướng dẫn về áp dụng khi có cách hiểu khác nhau về một nội dung luật, hướng dẫn này mang tính tham khảo.

"Chỉ đạo án phải có hồ sơ mang lên cùng nhau nghiên cứu, chứ bằng một văn bản thì không thể xem là chỉ đạo", Chánh án TAND tối cao khẳng định.

Trực tiếp: Thủ tướng trả lời chất vấn  - 4

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.

8h10: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương liên quan đến việc sản xuất phân bón của công ty Thuận Phong.

Phó Thủ tướng cho biết, đây là một vụ việc mà trước đây Phó Thủ tướng đã có ý kiến phát biểu Quốc hội, trách nhiệm trước hết là thuộc về các cơ quan tư pháp thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Ngày 14/8/2019, Bộ Công an có văn bản số 465 báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội về việc điều tra, xử lý việc sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong, nội dung chính là nêu do các Bộ liên quan chưa có văn bản trả lời yêu cầu giám định nên việc xử lý phải chờ theo quy định của pháp luật.

Sau đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực đã chỉ đạo Bộ Cong an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định của  pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc các ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, khẩn trương có văn bản gửi cơ quan cảnh sát điều tra về kết luận giám định các vấn đề có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực đã có nhiều cuộc họp với các cơ quan có trách nhiệm liên quan, theo đó, đã chỉ đạo các cơ quan đánh giá kết quả sản xuất của Thuận Phong, có phải là hàng giả hay không, đây là quá trình chưa chuyển sang giai đoạn tố tụng mà xem xét hành chính, với trách nhiệm của mình, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành đánh giá, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điểu tra. Sau đó, đã chuyển cơ quan điều tra để thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó có việc yêu cầu giám định. Ngày 20/11/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành văn bản 3721 kèm theo kết quả giám định, ngày 3/4/2020, theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ giám định bổ sung, sau đó Bộ đã ban hành văn bản 3310 kèm theo kết quả giám định bổ sung.

Trước đó, ngày 15/4/2020, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã nhận được kết luận giám định của Bộ Công Thương. Hiện vụ việc đang thuộc trách nhiệm xử lý của các cơ quan tố tụng, việc còn lại, Bộ Công an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp với các cơ quan xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, bảo đảm không oan sai, không bỏ lọt tội phạm và chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ về quyết định của mình.

8h: Phiên chất vấn bắt đầu

Theo dự kiến, sáng nay (10/11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.

Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn các vấn đề liên quan tới phát triển kinh tế trong thời kỳ COVID-19, văn hóa xã hội, môi trường, y tế, phòng chống thiên tai, chiến lược phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa… 

Trực tiếp: Thủ tướng trả lời chất vấn  - 5

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trước Thủ tướng, 3 Phó Thủ tướng, 15 bộ trưởng cùng Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu thuộc những lĩnh vực được giao phụ trách.

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn