• Zalo

ĐBQH: 'Cần xem lại việc cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng'

Giáo dụcThứ Sáu, 06/11/2020 18:44:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã sai luật khi cách chức vị trí Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng, theo ĐB Lê Thanh Vân, sự việc cần được xem xét lại.

Sáng 6/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) bày tỏ quan điểm phản đối việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kỷ luật, cách chức chức vụ Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh. Đại biểu Lê Thanh Vân, đặt câu hỏi dành cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và cho biết cần xem xét xem sự việc có đúng quy định theo Luật Giáo dục đại học hay không?

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội chiều 6/11, ĐBQH Lê Thanh Vân tiếp tục có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.

- Liên quan đến việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kỷ luật, cách chức vị trí Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng, ông có thể nói rõ hơn?

Xem xét ở góc độ pháp lý thì việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành văn bản cách chức Hiệu trưởng đối với trường Đại học Tôn Đức Thắng là việc làm sai quy định pháp luật. Ở chỗ, điều này trái với quy định tại khoản 1, điều 20 của Luật Giáo dục Đại học.

Theo đó, khoản 1 Điều 20 Luật Giáo dục quy định việc này là do Hội đồng nhà trường hay Hội đồng Đại học. Đành rằng theo luật cán bộ, luật viên chức thì những nhân sự là cán bộ hay công chức thuộc quyền quản lý của công đoàn hay của Tổng Liên đoàn thì họ có quyền kỷ luật theo quy định của luật cán bộ công chức hay viên chức. Tuy nhiên, ở đây là chức danh hiệu trưởng trường đại học, cần tuân thủ theo Luật Giáo dục Đại học.

ĐBQH: 'Cần xem lại việc cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng' - 1

ĐBQH Lê Thanh Vân trả lời bên hành lang Quốc hội.

Quy định này vừa mới được Quốc hội thông qua, bổ sung sửa đổi vừa mới “ráo mực” thôi. Một quy định rất tiến bộ để mở đường cho vấn đề tự chủ trong giáo dục. Tôi đánh giá về mặt nhận thức và hành vi như thế là có vấn đề.

Việc cách chức Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng diễn ra trong khi không có Hội đồng nhà trường, điều này cũng đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong phiên trả lời chất vấn. Tôi được biết, khi sắp hết nhiệm kỳ hội đồng, trường đã có văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép được thành lập hội đồng trường mới. Tuy nhiên Tổng Liên đoàn Lao động không trả lời, không “mặn mà” với việc đó.

Vậy vì sao lại dựa vào vi phạm về Đảng của Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng để cách chức hiệu trưởng? Đó là điều rất khó hiểu vì không có đủ cơ sở pháp lý. Nếu cách chức đối với cán bộ công chức viên chức thì được, nhưng đây là chức danh luật định, phải thông qua Hội đồng nhà trường. Nếu cách chức như vậy là vi phạm Luật Giáo dục Đại học.

- Vậy theo Luật Giáo dục Đại học, nếu muốn cách chức Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng thì quy trình phải thế nào, thưa ông?

Việc cách chức hiệu trưởng đối với ĐH Tôn Đức Thắng, nếu tuân theo quy định hiện hành thì phải tuân thủ theo khoản 1 điều 20 của Luật Giáo dục Đại học là phải thông qua thẩm quyền của Hội đồng nhà trường.

 
Đảng viên vi phạm thì phải xử lý theo quy định của Đảng. Nhưng kỷ luật chức danh hiệu trưởng thì phải tuân thủ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học.

ĐBQH Lê Thanh Vân

Trong bối cảnh Hội đồng nhà trường hết nhiệm kỳ thì phải áp dụng điểm A khoản 6 điều 7 nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ. Trong đó có hướng dẫn khi Hội đồng nhà trường hết nhiệm kỳ, mà hiệu trưởng cùng nhiệm kỳ với hội đồng trường, nếu trường chưa có hiệu trưởng mới thì hiệu trưởng đó có quyền kéo dài nhiệm kỳ. Việc kéo dài nhiệm kỳ này được diễn ra cho đến khi hội đồng trường mới được thành lập và quyết định nhân sự hiệu trưởng mới, được đơn vị chủ quản công nhận. Đó được xem là một bước chuyển tiếp.

Tuy nhiên trong trường hợp này hành vi pháp lý của công đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại không căn cứ vào bất cứ đâu.

Sáng nay tranh luận với tôi, ĐB Trần Thị Kim Thúy (Đoàn TP.HCM), một người từng công tác trong ngành công đoàn cho rằng, văn bản của Bộ Nội vụ cho phép.

Theo tôi, nếu có, văn bản này đã vi phạm theo quy định của luật pháp. Kể cả đó là văn bản của Bộ Nội vụ thì Bộ Nội vụ cũng không thể đứng trên luật được.

Văn bản của Bộ Nội vụ, nếu có, là một văn bản cá biệt hướng dẫn một tình huống cụ thể nhưng phải dựa trên quy định của luật, của nghị định, ở đây là Nghị định 99.

Tôi không hiểu Bộ trưởng Bộ Nội vụ dựa vào đâu mà lại ban hành một văn bản cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể cách chức hiệu trưởng đối với ĐH Tôn Đức Thắng.

- Những lùm xùm xảy ra giữa một cơ quan quản lý với một đơn vị giáo dục tự chủ trực thuộc rất thành công như ĐH Tôn Đức Thắng, thực sự rất đáng tiếc?

ĐH Tôn đức Thắng đã đưa Việt Nam và cả TP.HCM lên tầm quốc tế. Một trường ĐH đứng trong số 900 ĐH hàng đầu thế giới và được các tổ chức quốc tế công nhận là ĐH tốt nhất Việt Nam. Trong bối cảnh có rất nhiều tin vui trước đó thì tin Hiệu trưởng Tôn Đức Thắng bị cách chức lại là một tin rất buồn.

Trong mối quan hệ nhân quả giữa người đứng đầu với một tập thể có nhiều thành tích như vậy thì việc dư luận đặt câu hỏi là điều đương nhiên. Căn cứ vào đâu để cách chức Hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng?

Điều này cần có câu trả lời minh tường, một thông điệp rõ ràng cụ thể chứ không thể trả lời chung chung được. Hơn nữa đây lại là quyết định kỷ luật của Đảng bộ khối các trường ĐH, là cơ quan trực thuộc thành ủy TPHCM. Tôi biết ông Lê Vinh Danh đã có đơn khiếu nại và trong khi Thành ủy TP.HCM chưa kịp xem xét đơn khiếu nại thì Tổng Liên đoàn Lao động đã căn cứ vào kết luận của Đảng bộ trên cơ sở, trực thuộc TP.HCM để nhanh tay xử lý việc kỷ luật trái pháp luật như vậy.

- Theo ông, sự việc cần được giải quyết thế nào để đảm bảo đúng quy định?

Đảng viên vi phạm thì phải xử lý theo quy định của Đảng. Nhưng kỷ luật chức danh hiệu trưởng thì phải tuân thủ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học. Điều này cần được giải quyết tường minh, công khai, không được lợi dụng văn bản quy định của Đảng để đánh tráo khái niệm trong việc chấp hành pháp luật.

Trước Quốc hội, tôi đề nghị các cơ quan chủ quản của các trường ĐH phải tuân thủ Luật Giáo dục và tôn trọng các quy định để tránh lộng hành quyền lực. Trong việc ứng xử với các cơ sở đơn vị ĐH theo hướng tự chủ, một chủ trương tiến bộ mà Quốc hội vừa mới tiến hành bổ sung sửa đổi trong Luật Giáo dục Đại học.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn