• Zalo

Phát biểu tại LHQ, Phó Thủ tướng kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế

Thế giớiThứ Bảy, 28/09/2019 21:23:00 +07:00Google News

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Sáng 28/9 giờ Mỹ (tối 28/9 giờ Việt Nam), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài phát biểu tại kỳ họp thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ở thành phố New York.

Video: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Liên hợp quốc.

Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề cập tới vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn xung đột và tìm ra giải pháp bền vững cho các tranh chấp.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, vốn được xem là "Hiến pháp đối với các đại dương, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông quan trọng về mặt chiến lược đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về các diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, trong đó có "các vụ việc nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở những vùng biển của Việt Nam được xác định bởi UNCLOS".

"Các quốc gia liên quan cần tự kiềm chế và tránh các hành động đơn phương vốn có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng trên biển, đồng thời giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS" - Phó Thủ tướng kêu gọi.

Cũng trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác đa phương, khẳng định Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực cho tiến trình này, hướng tới xây dựng một thế giới phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc lại những hậu quả thảm khốc của Thế chiến II, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống an ninh tập thể và luật pháp quốc tế, tầm quan trọng của các cơ quan đa phương phụ trách các vấn đề nhân quyền, an ninh, hòa bình của quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu quan trọng của cộng động quốc tế là phải bằng mọi cách nỗ lực ngăn chặn các mối đe dọa an ninh cả truyền thống và phi truyền thống, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn hoan nghênh việc giải quyết các xung đột bằng đối thoại. Một trong những minh chứng rõ nét nhất đó chính là việc Việt Nam có đóng góp công sức không nhỏ trong thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 2/2019.

Với kinh nghiệm của mình, Việt Nam tin tưởng rằng các quốc gia nên tập trung tìm giải pháp để cùng phát triển bền vững.

"Không có quốc gia nào không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, do đó chúng ta phải hợp tác. Xung đột đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới - từ Trung Đông đến châu Phi, qua ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chung. Cũng nhờ hợp tác đa phương mà Việt Nam đã phục hồi sau chiến tranh. Và từ đó có điều kiện để tích cực tham gia vào các hoạt động đa phương hơn nữa", - Phó Thủ tướng phát biểu tại phiên thảo luận.

Lấy ví dụ cho sự tích cực tham gia các hoạt động đa phương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã tham gia và đang có những đóng góp không nhỏ cho hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Với chủ đề "Tăng cường nỗ lực đa phương nhằm xóa nghèo, thúc đẩy giáo dục chất lượng, hành động vì phát triển bao trùm và ứng phó với biến đổi khí hậu", Việt Nam đóng góp 5 giải pháp.

Thứ nhất và quan trọng nhất, theo Phó Thủ tướng, các quốc gia nên chấp hành luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bởi điều đó sẽ giúp đảm bảo công bằng giữa các quốc gia. Đây cũng chính là cách tránh xung đột giữa các quốc gia và hướng tới giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế.

Thứ hai, các vấn đề khu vực cần phải được giải quyết bằng cách đưa ra cộng động quốc tế.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Bình Minh lưu ý, năm 2020 Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, và do đó Việt Nam cam kết sẽ tích cực thúc đẩy giải quyết các vấn đề xung đột, xây dựng hòa bình bền vững.

Thứ ba, mọi nỗ lực đa phương đều cần đặt con người là trọng tâm. Theo Phó Thủ tướng, chỉ khi chuẩn mực sống của người dân được đảm bảo thì mới có thể phát triển bền vững.

Thứ tư, các tổ chức đa phương cũng cần phải được cải tổ để đáp ứng những yêu cầu mới trong tình hình mới. Việt nam sẽ tích cực đóng góp vào công cuộc cải cách các tổ chức đa phương nhằm mang lại sự hoạt động hiệu quả hơn.

Giải pháp cuối cùng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, để củng cố vai trò, nâng tầm hiệu quả của LHQ cũng như các tổ chức đa phương khác, nếu từng quốc gia thành viên vượt qua những lợi ích riêng, hướng tới các lợi ích chung rộng lớn hơn của cộng đồng quốc tế, cam kết và thực sự đầu tư ý chí và nguồn lực cho những nỗ lực chung đó. 

Song Hy-Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn