• Zalo

Trực tiếp: Bão số 12 giật cấp 15 đổ bộ vào Phú Yên - Ninh Thuận

Thời sựThứ Bảy, 04/11/2017 07:42:00 +07:00Google News

Sáng sớm 4/11, bão số 12 (tên quốc tế Damrey) giật cấp 15 đã đổ bộ vào các tỉnh Phú Yên - Ninh Thuận.

Video trực tiếp diễn biến bão số 12

Video: Bão số 12 đổ bộ, hàng loạt ô tô ùn ứ trên quốc lộ 1A

Mưa lớn, cây đổ, mất điện

12h00', Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão Damrey vào đất liền Phú Yên - Khánh Hoà như dự báo ban đầu về thời gian đổ bộ cũng như cường độ gió. Đây là cơn bão khá mạnh, hoành hành 6 tiếng trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ trước khi đi sang khu vực Campuchia và suy yếu dần.

Do ảnh hưởng của bão, ở An Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Ninh Hòa và Nha Trang (Khánh Hòa) gió đang giật trên 100 km/h; Đà Lạt, Liên Khương (Lâm Đồng) nhẹ hơn. Tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đang có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-300 mm. 

23226976_1417593871691180_2006561322_n-5-10133810 10

 Khoảng 10h sáng 4/11, tại TP Quy Nhơn (Bình Định) dàn đèn trang trí tại đầu đường Nguyễn Tất Thành nối dài (gần đường sắt) bị ngã đổ nằm bẹp, chắn ngang trên đường

Cơ quan chức năng cũng cảnh báo nguy cơ lũ quét, mất an toàn hồ chứa các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa.

11h30', lúc 10h, tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa - Đăk Lăk - Lâm Đồng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100 km/h), giật cấp 12. Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 15-20 km/h, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 22h, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

10h, Phó chủ tịch UBND Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, hiện đã có vài trường hợp mất tích và hai người thiệt mạng vì bão.

9h15', Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, ông Lê Huy Toàn cho biết, gió to đã làm đổ một bức tường, đè vào một cháu bé gây tử vong.

8h30', Công an Khánh Hòa giải cứu thành công 3 người đàn ông kẹt trong đống đổ nát tại dãy phòng trọ thuộc phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang.

7h10', ông Võ Ngọc Kha - Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết, tại địa phương gió giật rất mạnh cấp 10-12. "Hiện tôi đang chỉ đạo các phường kiểm tra, báo cáo tình hình. Gió giật mạnh, các anh em chưa ra đường được. Với sức gió mạnh như thế này, Phú Yên sẽ chịu thiệt hại sau cơn bão rất nặng nề".

23224431_473675733029839_230705654_o 9

 

Được biết, lúc 2h sáng toàn tỉnh Phú Yên bị mất điện. Người dân tại phường 9, TP Tuy Hòa chia sẻ trong nhà nhìn ra, xung quanh cây cối đều ngã rạp. Nhiều trụ viễn thông cũng bị gãy.

23130646_473637403033672_153218620981360813_n 8

Hình ảnh thiệt hại do bão tại tỉnh Phú Yên. 

Ông Lê Tấn Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa (Phú Yên) thông tin, bão số 12 đã ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương này. Sóng lớn dữ dội đánh vào các khu vực ven biển. 

Ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chia sẻ: "Quá kinh khủng, kinh khủng. Chúng tôi ở đây bao nhiêu năm qua, chưa bao giờ thấy bão lớn thế. Chúng tôi đang triển khai kế hoạch để kiểm tra tình hình thiệt hại, đồng thời cùng cơ quan chức năng hỗ trợ người dân phòng chống bão."

6h50', tại Phú Yên, mực nước các sông dâng cao, gió rất mạnh. Nhiều người dân đã được chính quyền di dời kịp thời để tránh bão.

23131746_473629586367787_7294845810589203225_n 6

Nhiều cây to ở Nha Trang bị gãy đổ. 

6h30', trời Khánh Hòa đang mưa rất to, gió giật liên hồi, cây cối liêu xiêu. Nhiều vật dụng của người dân không kịp chằng chống bay ngổn ngang ra đường.

23131877_473629529701126_6957932281667649265_n 5

Người dân Nha Trang tránh bão 

5h20', PV VTC News đang có mặt trên tuyến QL1A khu vực tỉnh Khánh Hoà cho biết, gió giật đang giật rất mạnh khiến nhiều phương tiện không di chuyển được.

Chị Nguyễn Thị Loan (SN 1992, quê Quảng Bình) cho biết, chị đang trên xe khách vào Nha Trang, gần tới nơi thì gặp gió lớn, xuất hiện mưa khiến xe phải dừng để đảm bảo cho hành khách.

23130998_473629756367770_6364036101568255900_n 7

Các hộ dân vùng trũng ở Ninh Hoà chìm trong biển nước. 

4h00', đường Trần Phú (Khánh Hoà) dọc biển, sóng đánh khá mạnh. Cột sóng có chỗ cao hơn 2 m - nhất là phía Quảng trường 2 Tháng 4.

23231682_473611133036299_5528600845249166099_n 3

 Tuyến QL1A khu vực tỉnh Khánh Hoà bị tê liệt trong bão

3h00' sáng 4/11, các tỉnh từ Phú Yên đến Nha Trang (Khánh Hòa) gió thổi ngày càng lớn. Nhiều khu vực bị mất điện, cây cối gãy đổ, nhà cửa bị tốc mái.

TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã bị mất điện hoàn toàn. Ngoài đường phố gió gầm rít từng hồi, những tiếng mái tôn va đập vào nhau chát chúa.

Tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) gió đang giật rất mạnh. Đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai - Dã Tượng đèn chiếu sáng không hoạt động. Một cây lớn ngã đổ ngang đường, đối diện với khu resort Anna Mandara...

Cập nhật tin bão mới nhất

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, ở đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 6 giờ qua phổ biến 30-50mm.

Hồi 19h ngày 3/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, khoảng sáng sớm 4/11 bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15. 

ok

Vị trí và đường đi của bão số 12. 

Đến 7h ngày 4/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3; riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cấp 4.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. 

Đến 19h ngày 04/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,2 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Nam Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Gió mạnh và sóng lớn trên biển: Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) gió mạnh dần lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.

Nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5-1,0m. Sóng vùng tâm bão 6-8m, ven bờ Quảng Ngãi đến Bình Thuận 3-5m.  Ngoài ra, ven biển Nam Bộ đề phòng triều cường cao trong những ngày tới do thủy triều lên cao kết hợp với nước dâng do gió mùa.

Gió mạnh trên đất liền: Từ đêm 3/11, trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 10-12, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền (bao gồm cả Nam Tây Nguyên) có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 11. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ngày mai, miền Đông Nam Bộ có gió giật cấp 6-8.

Dự báo mưa lớn: Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to đến đặc biệt to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.

Cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất: Từ 4 đến 8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một  đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên. 

Bão số 12 càng vào đất liền càng mạnh

Chia sẻ với PV VTC News về lý do tại sao càng vào gần bờ, bão số 12 lại càng mạnh hơn, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: "Cơn bão số 12 đang dần tăng cấp độ và vận tốc khi tiến gần vào đất liền nước ta.

Khi đi qua đảo Palawan (Philippines), áp thấp khá yếu bởi gặp nhiều ma sát. Tuy nhiên, vào Biển Đông, vùng biển thoáng và không nhiều vật cản, áp thấp nhiệt đới này càng mạnh dần lên.

2_610736

 Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương.

"Điều đáng lưu ý là kết hợp với không khí lạnh, nó sẽ gây hoàn lưu gió mạnh trên vùng rộng lớn, về phía Bắc. Khi bão chuẩn bị đổ bộ, cường độ gió đạt cấp 10-12. Hơn nữa, đi vào vùng biển ấm là điều kiện lý tưởng để cơn bão Damrey tiếp thêm năng lượng. Kết hợp với không khí lạnh ở phía Bắc tràn xuống, sức gió của cơn bão sẽ càng mạnh.

Từ 1/11, áp thấp nhiệt đới phát triển thành bão. Vị trí hình thành của bão Damrey khá gần với bờ biển nước ta. Hơn nữa, khoảng 3-4 ngày sau khi hình thành (áp thấp nhiệt đới hình thành ngày 31/10 - PV) là giai đoạn phát triển nguy hiểm nhất của cơn bão", ông Cường nói.

Cũng theo cảnh báo của vị Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: "Toàn bộ khu vực Nam Trung Bộ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió bão. Các tỉnh từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận sẽ nằm trong vùng có gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 15; Bà Rịa – Vũng Tàu thậm chí có gió giật cấp 6-7.

Phó Thủ tướng yêu cầu sơ tán dân, không đi thì cưỡng chế

Chiều 3/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai triển khai công tác ứng phó với bão số 12 tại UBND tỉnh Khánh Hòa.

Phó Thủ tướng cho rằng, bão số 12 dự kiến nơi đổ bộ là ở Khánh Hòa và sẽ di chuyển nhanh về đất liền, đồng thời ảnh hưởng đến các vùng lân cận.

Theo Phó Thủ tướng, các tỉnh Nam Trung Bộ là nơi rất ít có bão lớn vào, kinh nghiệm ứng phó của lãnh đạo và người dân chưa nhiều, vì vậy phải thật sự cẩn trọng và nghiêm túc trong phòng chống. 

23193021_1490169487762922_73417672_n

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 12. (Ảnh: Thanh Hải)

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, mục tiêu hàng đầu là phải đảm bảo tính mạng cho người dân, đồng thời bảo vệ tài sản của nhân dân và Nhà nước một cách tốt nhất trước khi cơn bão kéo đến.

"Các tỉnh phải có biện pháp sơ tán người dân, bảo vệ các công trình hồ đập. Đây là thời điểm cần đến sự vào cuộc của các lực lượng, đặc biệt là lực lượng vũ trang Quân khu 5 và các đơn vị khác đóng trên địa bàn những tỉnh có ảnh hưởng của bão", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương phải khẩn trương sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm, vùng ngập sâu, bão lớn, người dân sống trong những ngôi nhà không đảm bảo an toàn. Đồng thời chỉ đạo, nếu người dân không thực hiện thì phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn trước khi cơn bão đến.

"Kiên quyết sơ tán người dân, trước 12h đêm, không còn người dân ở nơi nguy hiểm", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

23146393_526469577685648_659487324_n 4

Các hộ dân tại tỉnh Phú Yên sơ tán đồ đạc để tránh lũ.  

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngày 3/11, các tỉnh Nam Trung Bộ gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận thực hiện kế hoạch di dời trên 75.000 hộ dân với 386.000 người đến nơi an toàn để tránh bão số 12.

Theo đó, tỉnh Bình Định có số dân dự kiến sơ tán cao nhất với hơn 93.000 người, tiếp đến là Khánh Hòa 92.000 người, Phú Yên trên 85.000 người. 

Hơn 30 chuyến bay bị hủy

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã hủy 8 chuyến bay giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cam Ranh.

Ngoài ra, VNA hủy 2 chuyến bay giữa TP.HCM và Đà Lạt, gồm VN1380, VN1381. Hãng này sẽ triển khai kế hoạch bay bù phù hợp trong ngày 5/11.

171811_511008

Nhiều chuyến bay bị hủy do ảnh hưởng của bão số 12. (Ảnh: VNA)

Hãng hàng không Vietjet cũng quyết định ngừng khai thác 22 chuyến bay đi và đến các sân bay khu vực miền Trung bao gồm Đà Nẵng, Chu Lai, Quy Nhơn, Tuy Hoà, Cam Ranh, Đà Lạt trong ngày 4/11.

Ngoài ra, nhiều chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. Đại diện Vietjet cho biết đã sẵn sàng kế hoạch bay tăng cường ngay khi thời tiết cho phép và sẽ thông báo kịp thời tới hành khách.

Bình Định: 22 tàu cá vẫn chưa thoát khỏi vùng nguy hiểm

Chiều 3/11, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết, hiện tại vẫn còn 22 tàu thuyền đang nằm trong vùng nguy hiểm ở ngoài biển.

"Chúng tôi đang cùng phối hợp chính quyền địa phương liên lạc với các chủ tàu để tránh khỏi vùng nguy hiểm của bão số 12", một lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin. 

IMG_99878

Các tàu cá vào bờ để tránh bão.

Ngoài ra, Bộ đội Biên Phòng, Chi cục Thủy sản, UBND huyện Hoài Nhơn, Đài radio Quy Nhơn đang liên lạc để trợ giúp tàu cá BĐ 95956 TS công suất 730 cv gặp nạn trên đường tránh bão.

Theo đó, trên đường đi vào bờ tránh bão thì tàu cá bị hết nhiên liệu, thả trôi tại vùng biển có tọa độ 13025’N, 109042’E (cách bờ biển Quy Nhơn 40 hải lý về hướng Đông Nam).

Tàu này do thuyền trưởng Đỗ Văn Mốt (xã Hoài Hương, Hoài Nhơn) điều khiển, thời điểm gặp nạn trên tàu có 2 người. 

Hơn triệu học sinh nghỉ học tránh bão

Chiều 3/11, bà Hoàng Thị Lý, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cho biết vừa gửi văn bản đến các phòng giáo dục và các trường trực thuộc, yêu cầu cho học sinh nghỉ từ sáng 4/11 đến hết 5/11. 

"Nhiều trường chưa kịp thông báo, sáng nay học sinh vẫn đến trường thì chúng tôi liên hệ với phụ huynh đón các em về. Gia đình nào chưa kịp đón thì thầy cô sẽ trông nom các em tại trường", bà Lý cho biết.

Ngành giáo dục Khánh Hòa cũng yêu cầu các đơn vị phân công lãnh đạo thường trực liên tục tại đơn vị để chủ động xử lý các tình huống xảy ra. Họ phải thường xuyên theo dõi thông tin, phối hợp với địa phương để ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

"Tinh thần chung là đảm bảo an toàn tính mạng của cán bộ, giáo viên, học sinh, phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra", bà Lý nói. 

Cũng nằm trong vùng nguy hiểm của bão Damrey, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Bá Ninh cho hay trong chiều nay một số huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng được cho nghỉ học sớm. Mọi hoạt động ở các trường học phải hoàn tất trước 16h ngày 3/11.

"Theo chỉ đạo chung của tỉnh, học sinh và người dân các huyện ven biển được di tản tránh bão. Một số trường học kiên cố, nhà ở nơi an toàn có thể được dùng làm nơi trú bão cho dân", ông Ninh chia sẻ và cho biết ngày mai, hơn 135.000 học sinh toàn tỉnh sẽ nghỉ học.

Video: Bão số 12 tăng cấp nguy hiểm, sắp đổ bộ đất liền

Tại Phú Yên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Cường nói, từ hôm nay (3/11) các trường ở những địa phương có khả năng ảnh hưởng của bão đã chủ động di dời tài sản, thiết bị dạy học vào nơi an toàn. Việc học trong hôm nay vẫn diễn ra bình thường, ngày mai gần 200.000 học sinh trong tỉnh sẽ nghỉ học tránh bão.

Tương tự, gần 300.000 học sinh ở 600 trường học tỉnh Bình Thuận sẽ nghỉ trong ngày 4 và 5/11. Mọi hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường gồm các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, thi nâng bậc chuẩn ngoại ngữ dịp cuối tuần sẽ được dời qua tuần sau.

Ngành giáo dục TP.HCM cũng phối hợp với chính quyền các quận, huyện theo dõi sát tình hình của bão. Nếu bão có diễn biến xấu, các trường học dạy thứ Bảy sẽ cho học sinh nghỉ.

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn