Trọng tài ở Việt Nam luôn luôn là bộ phận chịu nhiều tai tiếng, nhưng để trở thành thảm họa thường trực qua từng vòng đấu thì lượt đi V.League năm nay mới là bước ngoặt.
Sau 13 lượt trận, danh sách các trọng tài bị treo còi, treo cờ ngày một nối dài. Người trong cuộc đã có lúc thảng thốt đặt ra câu hỏi, nếu cứ triền miên cái điệp khúc này, về cuối giải, liệu có còn đủ nhân lực cho đội quân cầm cân nảy mực?
Cựu còi vàng 2006 Dương Mạnh Hùng phân tích rằng cái nguy hại nhất của triều đại ông Nguyễn Văn Mùi là thiếu sự đầu tư bồi dưỡng cho các trọng tài trẻ về mặt chuyên môn. Thay vào đó, thứ đánh đổi nhanh hơn, hiệu quả hơn là quan hệ.
Video: Sai lầm của trọng tài Xuân Nguyện trong trận đấu của HAGL
Vì lý do đó, chúng ta buộc phải chấp nhận một sự thật là chất lượng trọng tài nội, bản thân nó đã tự đi xuống rồi chứ không cần đến tác động của tiêu cực. Trong khi ấy, Ban trọng tài, dường như để chiều lòng dư luận đang sục sôi căm phẫn, lại đi ngược lại quyền lợi và trách nhiệm bấy lâu nay để nhanh tay xử lý thuộc cấp của mình.
Đấy là chuyện vừa xảy ra với tổ trọng tài Trần Xuân Nguyện – Phạm Phú Hưng. Ông Hưng, ông Nguyện không sai trong cả 3 tình huống nhạy cảm gây cảm giác thiệt thòi cho HAGL khi đấu với Thanh Hoá, nhưng từ trước lúc “mổ băng”, họ đã phải nhận án kỷ luật bằng miệng từ Phó ban Dương Văn Hiền, người nắm quyền phân công trọng tài.
Trước sự vụ éo le này, giới trọng tài đã phải nhận kha khá “thẻ đỏ” cho những sai lầm ấu trĩ. Đó là Nguyễn Trung Kiên B (công nhận bàn thắng cho cầu thủ Quảng Nam dù đã đè ngửa thủ thành Nguyên Mạnh của SLNA), hay trợ lý Phan Việt Thái (không căng cờ khiến Quảng Nam thua oan HAGL)…
Nhưng oái oăm ở chỗ, đỉnh cao của các loại điều tiếng là ông Nguyễn Trọng Thư thì lại “sạch không tì vết” (được bố trí trọng tài bàn ngay sau vòng đấu mà ông để xảy ra scandal Long An trên sân Thống Nhất). Ông Thư, với những tiếng còi bị dân trong nghề đánh giá là “méo mó” đã tạo ra vở hề kịch với thủ thành Minh Nhựt diễn trò nhào lộn, còn cả đội Long An vô cảm buông lưới cho đối thủ mặc sức ghi bàn.
Hay tương tự như vậy là trường hợp của trọng tài FIFA Hoàng Anh Tuấn. Ông Tuấn “Thanh Trì” bắt chính trận đấu bị sai lệch kết quả nghiêm trọng giữa HAGL – Quảng Nam, sau đó lại khiến Sài Gòn mất trắng một bàn thắng trên sân Thanh Hoá, nhưng không hề phải chịu trách nhiệm gì cho những sai sót của mình.
Sự ưu ái này buộc người ta phải liên tưởng đến một người Thanh Trì khác là trọng tài Hà Anh Chiến. Ông Chiến năm 2016 nổi tiếng với việc thổi một quả phạt đền từ ngoài vòng cấm, nhưng liền sau đó phải trả giá bằng án kỷ luật treo còi vô thời hạn (đến bây giờ không ai còn thấy bóng dáng ông).
Cách xử trí với “thái tử” nhà ông Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi hay Hoàng Anh Tuấn đã làm dấy lên những mâu thuẫn ngay trong lòng giới trọng tài. Chính các trọng tài còn chẳng tin nhau và tin vào thượng cấp thì tránh sao được tâm lý nghi kỵ, ngờ vực và bất mãn từ các đội bóng, các cầu thủ và khán giả.
Có một thói quen đã hình thành trong lòng V.League, đó là “tiên học cãi”. Bất cứ quyết định quan trọng nào của các trọng tài, bất luận đúng sai, đều bị cầu thủ phản đối tức thời. Nhẹ thì trình bày, bức xúc hơn thì cự cãi, mà căng thẳng leo thang thì suýt đình công như HAGL hay bỏ đá giống Long An…
Và như để minh chứng cho một lượt đi đầy bão tố, V.League 2017 khép lại vòng đấu thứ 13 bằng một loạt trận cầu ám ảnh trọng tài. Ngoài sự cố với ông Hoàng Anh Tuấn liên quan đến quyền lợi của đội bóng Sài Gòn, còn có vua sân cỏ Trương Hồng Vũ cho Long An một quả phạt đền tranh cãi, và người rất hay “tạo sóng” là trọng tài Trần Đình Thịnh cũng bỏ qua pha chạm bóng bằng tay trong vòng cấm của hậu vệ Văn Khánh (SLNA) trên sân Hà Nội.
Sau đây, V.League sẽ nghỉ dài. Các câu chuyện về trọng tài sẽ tạm lắng xuống trong hai tháng tới. Nhưng Chủ tịch Lê Công Vinh, một người năm ngoái còn là cầu thủ và từng vái sống trọng tài, thì chua chát nói rằng niềm tin vào trọng tài bây giờ rất thấp.
Công Vinh sai rồi. Cái niềm tin ấy, bằng không, mới là chính xác.
Bình luận