Sau lễ tổng kết năm học diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Quỳnh Anh (27 tuổi, ở Hà Nội) bước vào chuỗi ngày đảo lộn với cậu con trai 7 tuổi. Câu hỏi ai trông con bỗng trở thành "cơn đau đầu" kéo dài.
Chồng đưa ra phương án để con về quê, nhưng vợ lại không đồng ý do lo ngại ở quê nhiều ao hồ, ông bà tuổi cao, nhãng đi, các cháu nghịch ngợm chẳng may xảy ra điều gì. Vì vấn đề này mà vợ chồng chị "chiến tranh lạnh" suốt cả tuần nay.
Bàn tới bàn lui, gia đình thống nhất thay nhau đưa con lên công ty. Tuy nhiên biện pháp này không mấy khả quan vì bé Bon nhà chị khá nghịch ngợm. Ngày đầu theo bố đi làm, cậu chạy khắp phòng làm việc, hết đòi điện thoại rồi lại đòi nghịch máy tính. Cuối cùng anh chị quyết định để Bon ở nhà, buổi trưa tranh thủ về chuẩn bị cơm nước cho con.
Cũng may chỗ làm việc của chị Quỳnh Anh chỉ cách nhà vài cây số, nên giờ nghỉ trưa có thể tranh thủ về nấu ăn cho con. Có những hôm công việc bận rộn, chị quên nhiệm vụ. Vài lần để con trễ bữa, chồng chị tỏ thái độ không hài lòng. Cứ thế, hai vợ chồng lại bất hoà, không khí gia đình căng thẳng.
"Công việc áp lực, giờ lại tất bật hàng ngày lo cho con khiến tôi khá mệt", chị nói và cho biết không biết bản thân có vượt qua nổi kỳ nghỉ hè của con hay không.
Chung tình cảnh, gia đình anh Phạm Anh Tuấn (35 tuổi, ở TP.HCM) đều "đầu tắt mặt tối" từ sáng sớm, nên việc con nghỉ hè bỗng trở thành bài toán khó.
Những năm trước, khi con còn học mẫu giáo, trường chỉ nghỉ khoảng 1-2 tuần rồi tổ chức giữ trẻ dịp hè, vợ chồng anh Tuấn vẫn có thể thay phiên nhau nghỉ phép để ở nhà trông con. Năm nay con trai anh học hết lớp 1, trường tiểu học nghỉ hè ba tháng liền, gia đình không biết phải xoay sở ra sao.
Nghỉ việc ở nhà trông con là điều không thể vì chẳng cơ quan, tổ chức nào chấp nhận chuyện đó. Còn để con ở nhà một mình vợ chồng anh lại không yên tâm, lỡ xảy ra chuyện gì thì "hối hận cũng không kịp".
“Tôi định gửi con về quê nhưng thấy ông bà đã lớn tuổi nên thôi. Gia đình cũng không muốn cho con đi học thêm vì sợ con bị áp lực học hành”, anh Tuấn nói. Cân nhắc đi cân nhắc lại, anh quyết định thuê người giúp việc với giá 7 triệu đồng/tháng, mặc vợ phản đối. Vợ anh cho rằng giúp việc mới đến, giao hết nhà cửa con cái cho họ, trong khi hai vợ chồng đi làm cả ngày, dù nhà có gắn camera đi nữa thì vẫn thấp thỏm, không yên tâm.
“Tháng nghỉ hè của con nhưng với ba mẹ rất cực khổ, khi vừa mất thêm tiền lại thêm vừa lo lắng”, anh Tuấn nói và bày tỏ thuê giúp việc là phương án duy nhất mà anh có thể làm để “mua” kỳ nghỉ hè an toàn cho con.
Theo cô Ngô Thị Mến, giáo viên trường Mầm non Tân Phong (Thái Bình), tùy điều kiện và hoàn cảnh, mỗi gia đình nên có kế hoạch nghỉ hè cụ thể cho con để tạo cho trẻ mùa hè thú vị, bổ ích, chứ không phải chỉ để tiện cho công việc của cha mẹ.
“Hãy cho con tham gia các hoạt động trải nghiệm bổ ích để trau dồi kỹ năng sống, thay vì gửi con về quê, hay để trẻ ở nhà một mình với chiếc điện thoại. Lưu ý, việc lựa chọn hoạt động, khóa học hè cho con cần được tìm hiểu kỹ càng”, cô Mến nói.
Bình luận