Với sốt xuất huyết, ngay trong tháng 4, cả nước đã ghi nhận gần 7.000 ca, 2 người tử vong. Trong khi, trung bình 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận khoảng 4.000 bệnh nhân.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 21.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc giảm 26%, nhưng tử vong tăng 1.
Bệnh tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Sắp tới, số lượng bệnh nhân sẽ tăng mạnh hơn nữa do phía Nam bắt đầu mùa mưa, trong khi miền Bắc bước vào nắng nóng.
Đáng lưu ý, có tới 4 loại virus sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước.
Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó.
Hầu hết những trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đều chủ quan, nhập viện trễ khi đã suy đa phủ tạng.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Khi có các biểu hiện nghi ngờ như sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da... thì cần đến ngay cơ sở y tế.
Tương tự, bệnh tay chân miệng cũng gia tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua với hơn 4.500 ca mắc, trong khi tổng 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận hơn 6.200 ca. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng hơn 26%.
Bước vào mùa hè, người dân cũng cần đặc biệt lưu ý đến bệnh viêm não mô cầu. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 11 ca mắc, 2 người tử vong.
Khác với viêm não do virus, bệnh não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây ra, lây lan qua đường hô hấp.
Não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, 2 nhóm tuổi dễ bị nhiễm não mô cầu là trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên từ 14 tuổi đến 20 tuổi.
Vi khuẩn này thường gây ra bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết do não mô cầu với các biểu hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C, đau đầu dữ dội, cổ cứng, xuất hiện tử ban.
Việc chẩn đoán não mô cầu ở giai đoạn sớm gặp nhiều khó khăn vì triệu chứng bệnh giống như những triệu chứng viêm màng não siêu vi thông thường khác, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24 giờ khởi bệnh.
Viêm não mô cầu có nhiều thể bệnh, trong đó thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp với 80% bệnh nhân tử vong, ở thể viêm màng não mủ có tỉ lệ tử vong từ 30-40%.
Hiện đã có 2 loại vắc xin AC và BC ngừa viêm não mô cầu. Do đó người dân có thể tiêm cả 2 loại vắc xin BC (ngừa type B, C) và AC (ngừa type A, C) để tăng thêm khả năng miễn dịch.
Video: Dấu hiệu nhận biết sớm viêm não mô cầu
Bình luận