• Zalo

Triều Tiên xử tử đại gia đình Jang Song Thaek: Có đáng tin cậy?

Thế giớiThứ Tư, 29/01/2014 08:58:00 +07:00Google News

Tiếng nói nước Nga có bài phân tích về thông tin Triều Tiên xử tử cả gia đình ông Chang Song-thaek của báo Hàn Quốc.

Hãng thông tấn Hàn Quốc “Yonhap” trích dẫn “nhiều nguồn” báo tin rằng ở Bắc Triều Tiên đã bắt giữ các thân nhân của cựu Bí thư BCH Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Chang Song-thaek.
Bản thân Chang Song-thaek, người trong những năm gần đây là một trong những quan chức có thế lực và ảnh hưởng nhất ở Bắc Triều Tiên, thì đã bị bắt ngày 8/12 và đến 12/12 2013 sau phiên tòa xử nhanh chóng đã bị thi hành án tử hình.
Triều Tiên xử tử đại gia đình Jang Song Thaek: Có đáng tin cậy?
Theo tin đưa của hãng thông tấn Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên cũng đã xử tử chị ruột của Chang Song-thaek, chồng bà này - người từng là đại sứ của CHDCND Triều Tiên tại Cuba, cháu trai của Chang Song-thaek - vốn là đại sứ của Bình Nhưỡng tại Malaysia, cũng như hàng loạt thân nhân của vị cựu “đại thần” họ Chang.
Một số bà con xa hơn không cùng huyết thống với Chang thì bị lưu đày đến trại cải tạo. Có tin rằng, mấy thân nhân của Chang Song-thaek từ chối rời khỏi nhà và đã bị bắn chết ngay tại chỗ, ngay trước mắt các cư dân láng giềng.
Với những thông tin nêu trên mà dễ hiểu là lập tức được tán phát trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới, cần có thái độ ít nhiều nghi vấn - giống như với những tin tức giật gân loại này.
Triều Tiên có lẽ là xã hội đóng kín nhất đang hiện hữu trên hành tinh của chúng ta. Cũng không nên coi sự đóng kín đó là tuyệt đối – dù sao chăng nữa chúng ta vẫn biết không ít về một số khía cạnh đời sống hiện đại ở Triều Tiên cũng như nhiều trang lịch sử đất nước này.
Chẳng hạn, các nhà quan sát bên ngoài có hình dung tương đối về cuộc sống thường nhật ở Triều Tiên, người ta cũng biết các xí nghiệp công nghiệp và trường học Triều Tiên hoạt động như thế nào, cũng như biết sơ sơ về kết cấu của nền kinh tế nội địa.
Hình ảnh bên trong phiên tòa xử Chang Song-thaek
Hình ảnh bên trong phiên tòa xử Chang Song-thaek.
Tuy nhiên, có những lĩnh vực mà quả thực bên ngoài biết rất ít - và một trong những “vùng tù mù” như vậy là thực trạng xung đột chính trị trong nội bộ ban lãnh đạo Triều Tiên.
Thỉnh thoảng từ Triều Tiên lại rò rỉ tin đồn về chuyện quan chức này hay vị tướng nọ rơi vào cảnh ô nhục, bị bắt hoặc bị hành hình.
Thông thường trong những tin đồn ấy kèm theo cả chi tiết về nguyên nhân ô nhục hoặc kể về cách thức thi hành án dã man, thế nhưng không ai có thể kiểm tra độ chân thực của những chi tiết như vậy.
Sớm hay muộn rồi cũng rõ bối cảnh xác nhận hoặc phủ nhận những tin đồn, nhưng thường phải đợi nhiều năm mới xuất hiện những thông tin bổ sung như thế.
Vì vậy, sự thận trọng khi tiếp nhận và xử lý thông tin trong những trường hợp tương tự hẳn không thừa. Tuy nhiên nhìn chung thông báo của “Yonhap” có vẻ khá hợp lý và phù hợp với những gì chúng ta biết về truyền thống chính trị của Triều Tiên.
Một trong những đặc điểm của hệ thống thanh trừng ở Triều Tiên từ đầu những năm 1960 là áp dụng nhất quán nguyên tắc về trách nhiệm gia đình đối với tội phạm chính trị.
Tương ứng với nguyên tắc này trong trường hợp một người phạm tội chính trị thì không chỉ đương sự phải chịu hình phạt tàn nhẫn không thương tiếc, mà chính quyền còn xử phạt cả các thành viên gia đình nhân vật ấy - hay chính xác hơn là tất cả những ai đăng ký tại địa chỉ có tội nhân.
Các thành viên gia đình thường bị gửi đến trại số 15 (Yedok), nơi hầu hết tù nhân đều là họ hàng bà con của tội phạm chính trị.
Nổi tiếng nhất là câu chuyện với Chholhvana Kahn, có ông nội đã bị bắt vì cáo buộc tội chính trị. Sau khi người ông biến mất (mà số phận đến nay vẫn mù mịt không ai biết), toàn thể gia đình ấy bị gửi đến trại số 15, nơi họ đã trải qua gần 10 năm lưu đày.
Trong trường hợp hành vi phạm tội bị coi là đặc biệt nguy hiểm, thì sự việc không chỉ giới hạn bằng việc tống vào trại tù. Được biết, với các tội phạm chính trị cỡ lớn như Pak Hon Yong (bị bắt năm 1955) hay Choi Chang Ik (bị bắt năm 1958), thân nhân của hai đối tượng này cũng bị xử tử.
Quả thực, từ giữa những năm 1990, khi ông Kim Jong-il lên nắm quyền, nguyên tắc qui trách nhiệm gia đình được áp dụng bớt phần nhất quán, còn đến khoảng những năm 2002-2003 bắt đầu thi hành nguyên tắc này chỉ trong những trường hợp cá biệt.
Tuy nhiên, dễ hiểu là trường hợp chúng ta đang bàn đến chính là cá biệt. Ngoài ra, các sự kiện của hai năm lại đây, kể cả quy mô lớn của các chiến dịch thanh trừng chống các quan chức cao cấp, cho thấy rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un thiên về hướng hành động nghiêm khắc.
Vì vậy, thông báo của “Yonhap” xem ra có vẻ hợp lý - mặc dù một số chi tiết lộ rõ chất hư cấu.
Cụ thể, khó tin được rằng nhân viên công lực đến bắt giữ đã bắn chết những phần tử dám chống lệnh ở ngay lối cầu thang ra vào nhà – bởi hẳn là chẳng một ai trong số đám người này thậm chí dám nghĩ đến chuyện chống lại: vụ bắt giữ bất ngờ và tử hình nhanh chóng với nhân vật "đại thần" Chang Song Thaek đã cho tất cả thấy rằng đừng đùa với Kim Jong Un.
Mặt khác, có chi tiết đáng chú ý là Cục Tình báo quốc gia Hàn Quốc không xác nhận thông tin của "Yonhap". Vì vậy, tốt hơn hết không nên quên thận trọng khi tiếp nhận và xử lý thông tin giật gân.
Bình luận
vtcnews.vn