Diễn biến mới có thể làm leo thang quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong những năm gần đây khi cả 2 quốc gia này lần lượt phóng thành công vệ tinh do thám nội địa đầu tiên. Cả 2 bên đều có kế hoạch tiếp tục phát triển và phóng vệ tinh vào không gian, gây lo ngại về nguy cơ xung đột và mở ra một mặt trận cạnh tranh mới - đó là lĩnh vực không gian.
Chạy đua phóng vệ tinh do thám
Hãng tin Yonhap trích thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này đã phóng thành công vệ tinh do thám quang điện và hồng ngoại nội địa đầu tiên vào quỹ đạo trái đất hôm 1/12. Vệ tinh này được phóng bằng tên lừa SpaceX Falcon 9, từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg tại California (Mỹ). Khoảng một giờ đồng hồ sau khi phóng, vệ tinh đã vào quỹ đạo trái đất và liên lạc lại với trung tâm kiểm soát mặt đất.
Hàn Quốc có kế hoạch phóng thêm 4 vệ tinh radar có khẩu độ tổng hợp vào năm 2025 trong dự án trị giá 1,2 nghìn tỷ won (918,2 triệu USD). Nỗ lực này được thực hiện nhằm giúp Hàn Quốc thiết lập một mạng lưới vệ tinh quân sự độc lập để thu thập thông tin về Triều Tiên. Trước đó, Seoul phần lớn dựa vào tài sản thương mại và quân sự của Mỹ để có thể thu được hình ảnh độ phân giải cao từ bên ngoài trái đất.
Các nhà quan sát cho biết, 5 vệ tinh của Hàn Quốc khi hoạt động cùng nhau dự kiến sẽ cung cấp phạm vi phủ sóng thường xuyên trong khoảng 2 giờ.
Các quan chức quân sự bày tỏ hy vọng rằng các vệ tinh trinh sát sẽ đóng vai trò là "con mắt" cho hệ thống tấn công phủ đầu Kill Chain của Hàn Quốc vì chúng sẽ cho phép phát hiện kịp thời các dấu hiệu về các cuộc tấn công hạt nhân và tên lửa tiềm tàng của Triều Tiên.
Hệ thống Kill Chain là trụ cột trong hệ thống răn đe ba mũi nhọn của Hàn Quốc, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc cũng như trừng phạt và trả đũa quy mô lớn của Triều Tiên, một kế hoạch hoạt động nhằm vô hiệu hóa năng lực Triều Tiên trong trường hợp xảy ra xung đột lớn.
Trước đó, ngày 21/11, Triều Tiên phóng vệ tinh do thám Malligyong-1 trên tên lửa Chollima-1 vào quỹ đạo. Phía Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng thêm vài vệ tinh nữa trong thời gian ngắn. Bình Nhưỡng cũng cho biết vệ tinh do thám đã chụp ảnh Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, các cơ sở quân sự lớn ở Hàn Quốc và các vùng lãnh thổ Guam và Hawaii của Mỹ. Tuy nhiên, Triều Tiên chưa công bố các bức ảnh vệ tinh liên quan.
Seoul và Washington đã đồng loạt lên án vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng là vi phạm các Nghị quyết An ninh của Liên hợp quốc cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Được biết, Triều Tiên đã ngừng tiến hành các vụ thử hạt nhân trong hơn 6 năm. Thay vào đó, nước này đã mở rộng và hiện đại hóa các chương trình quân sự và tên lửa, đồng thời đạt được khả năng phóng các vệ tinh do thám vào không gian.
Lên tiếng về vụ phóng tên lửa này, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng ca ngợi vụ phóng này là một sự kiện mở mang tầm mắt về việc triển khai một "lính canh không gian" giám sát các hoạt động quân sự của các đối thủ.
Căng thẳng từ cuộc đua vệ tinh
Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều coi thành công của các vụ phóng này là thắng lợi lớn. Tuy nhiên, các vụ phóng tên lửa trước mắt chưa thể đem lại năng lực an ninh cao hơn cho cả Hàn Quốc và Triều Tiên. Thay vào đó, nguy cơ xung đột quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã tăng lên.
Cụ thể, sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh Malligyong-1, Hàn Quốc đã đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018, trong đó hai miền Triều Tiên đồng ý giảm căng thẳng dọc biên giới. Thoả thuận bao gồm tạm dừng các cuộc tập trận huấn luyện thực địa và dừng các cuộc tập trận bắn đạn thật gần đường phân giới quân sự, chỉ định các vùng cấm bay và thiết lập các vùng đệm trên biển.
Đồng thời, Hàn Quốc cũng đã triển khai máy bay không người lái giám sát và máy bay trinh sát gần biên giới với Triều Tiên.
Về phia Triều Tiên, nước này cũng đã hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận, gọi động thái của Seoul là "hành động liều lĩnh" đồng thời nói thêm rằng Hàn Quốc "sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra một cuộc đụng độ không thể cứu vãn". Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên - KCNA, đăng bài viết của một nhà bình luận quân sự giấu tên cho biết vùng đệm biên giới hiện "bị phá hủy hoàn toàn và nguy cơ chiến tranh khó lường đang leo thang".
Với việc thỏa thuận vùng đệm biên giới năm 2018 thực sự đã bị hủy bỏ và Hàn Quốc phản ứng tương tự trước các hành động của Triều Tiên, căng thẳng đang leo thang tới mức cao hơn bao giờ hết.
Hồi năm 2022, quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng xấu đi nhiều do hàng loạt hành động khiêu khích quân sự của cả 2 bên, tuy nhiên, nguy cơ đụng đọ quân sự vẫn tránh được. Tuy nhiên, với việc thỏa thuận năm 2018 không còn hiệu lực, các chuyên gia cho rằng sẽ rất khó có thể dự đoán những diễn biến tiếp theo.
Động thái của cả 2 nước
Đến thời điểm hiện tại, cả Mỹ và Hàn Quốc đều không có dấu hiệu thay đổi chiến lược của mình. Trong đó, 2 quốc gia này tiếp tục ưu tiên các biện páp răn đe và cách tiếp cận lấy quân sự làm trung tâm.
Sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các điệp viên “ở nước ngoài”, trong khi đó Bộ Ngoại giao Hàn Quốc liệt 11 người Triều Tiên được cho là có liên quan đến việc phát triển vệ tinh và tên lửa đạn đạo của nước này vào danh sách đen. Đồng thời, Mỹ và Hàn Quốc đang theo đuổi các cuộc tập trận quân sự chung.
Mặt khác, về phía Triều Tiên, nước này có thể sẽ tiếp tục thử thêm tên lửa và phóng thêm tên lửa, nguy cơ xảy ra đụng độ vô tình dọc biên giới là rất cao.
Đến nay, cả 2 bên đều chưa thực sự cân nhắc việc theo đuổi con đường ngoại giao như một giải pháp xoa dịu căng thẳng. Washington liên tục bày tỏ sự sẵn sàng ngồi vào đàm phán với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn lên tiếng cáo buộc Mỹ là “hai mặt” và có các hành động không phù hợp với lời nói.
Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã thể hiện rõ lập trường trong một tuyên bố được công bố vào đầu tháng 12, nói rằng nước này “sẽ không bao giờ ngồi lại trực tiếp với Mỹ” chừng nào Mỹ còn tránh né đàm phán về “chủ quyền” của Triều Tiên.
Trong khi đó, Seoul dường như không lưu tâm tới vấn đề ngoại giao. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã cho thấy quan điểm rõ ràng rằng ông không quan tâm đến việc ngoại giao với Triều Tiên, thay vào đó, ông lập luận rằng “hòa bình thực sự được xây dựng dựa trên sức mạnh áp đảo và mạnh mẽ, cũng như ý chí kiên quyết sử dụng sức mạnh đó bất cứ lúc nào để bảo vệ chính mình”.
Theo SCMP, nguy cơ đụng độ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đang ngày càng gia tăng khi 2 bên tiếp tục thực hiện các hành động đáp trả lẫn nhau như vậy.
Bình luận