Theo Reuters, các biện pháp trừng phạt mới nhằm hạn chế khả năng tiếp cận dầu tinh chế và dầu thô, cũng như giảm nguồn thu nhập từ lao động nước ngoài.
Nghị quyết của Hội đổng Bảo an đồng ý cấm gần 90% xuất khẩu dầu tinh chế đến Triều Tiên bằng cách giới hạn ở 500.000 thùng mỗi năm và yêu cầu người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài phải về nước trong vòng 24 tháng, thay vì 12 tháng như đề xuất.
Bản nghị quyết đề xuất cũng giới hạn lượng dầu thô được cung cấp cho Triều Tiên ở mức 4 triệu thùng một năm và cam kết hạn chế nhiều hơn nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa ICBM khác.
Ngày 29/11, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa ICBM mới, là một bước đột phá có khả năng đặt cả nước Mỹ vào trong vòng nguy hiểm. Căng thẳng lên cao với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên khi nước này liên tiếp theo đuổi các thử nghiệm bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Về các lệnh trừng phạt, cũng trong tháng 11, Triều Tiên yêu cầu tạm dừng trừng phạt tàn bạo và cho rằng nghị quyết áp dụng sau thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 là tội ác diệt chủng.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao Mỹ cho biết họ đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhưng đồng thời đề xuất nghị quyết trừng phạt mới cứng rắn hơn để nâng cao áp lực đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Điều này gửi một thông điệp rõ ràng đến Bình Nhưỡng là càng thách thức nhiều sẽ càng bị trừng phạt và cô lập nhiều”, Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc chưa bình luận về vấn đề này. Trong khi đó đại diện Trung Quốc cho biết Bắc Kinh kêu gọi đối thoại.
Video: Triều Tiên muốn trở thành cường quốc hạt nhân mạnh nhất thế giới
Bình luận