Triều Tiên vốn được xem là quốc gia cách biệt với phần còn lại của thế giới nay gần như cắt đứt liên hệ với bên ngoài sau khi phong tỏa biên giới với Trung Quốc và Nga trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp bùng phát.
Bình Nhưỡng từ ngày 31/1 phong tỏa mọi tuyến giao thương bằng đường hàng không và đường sắt đi ngang biên giới với Trung Quốc, tạm thời cấm khách du lịch nước ngoài đến nước này.
Việc đóng cửa biên giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cam kết khởi động nền kinh tế Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, điều vốn trở nên không vững chắc sau các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Mỹ.
"Họ giữ hàng hóa ở bên ngoài và tránh xa Trung Quốc. Không ai có thể vào hoặc ra", một nguồn tin nắm được tình hình tại biên giới Trung Quốc-Triều Tiên nói với Reuters.
Triều Tiên gần như là quốc gia đầu tiên đưa ra các biện pháp mạnh để ngăn dịch viêm phổi xâm nhập vào nước họ. Động thái này ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của quốc gia Đông Bắc Á khi mà nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền của khách du lịch Trung Quốc và các hoạt động giao thương với Bắc Kinh.
Mặc dù vậy, nỗ lực của Triều Tiên cho thấy hiệu quả khi họ thành công trong việc ngăn chặn bất cứ mầm bệnh nào xâm nhập. Cái giá phải trả là Bình Nhưỡng phải cắt đứt hoặc hạn chế nghiêm trọng các mối quan hệ kinh tế mà họ đang dựa vào.
"Triều Tiên khuyến khích nội địa hóa, nhưng ngay cả các sản phầm như kẹo, bánh quy, quần áo được sản xuất từ nước này cũng lấy nguyên liệu thô từ Trung Quốc", một nguồn tin cho hay.
"Những ngày lễ chính trị sắp tới ở Triều Tiên, thường bao gồm quà tặng là kẹo và bánh quy cho trẻ em sẽ bớt vui hơn khi nguồn cung cấp đường, bột và các thành phần khác rơi vào tình trạng khan hiếm".
Cũng có những dấu hiện cho thấy các biện pháp phòng ngừa có thể dẫn tới việc hủy bỏ các lễ diễu hành quân sự và các lễ kỷ niệm lớn khác ít nhất là tới tháng 2, bao gồm lễ kỷ niệm thành lập quân đội Triều Tiên và sinh nhật cố Chủ tịch Kim Jong-Il.
Giáo sư Artyom Lukin tại Đại học Viễn Đông Liên bang Nga ở thành phố Vladivostok cho rằng mức độ rủi ro kinh tế với Triều Tiên phụ thuộc vào thời gian phong tỏa phiên giới.
"Nếu lệnh phong tỏa kéo dài trong vài tháng hoặc lâu hơn, điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đáng kể với Triều Tiên", ông nói.
Không có con số chính thức về quy mô nền kinh tế Triều Tiên, nhưng Ngân hàng Hàn Quốc ước tính năm 2018 nền kinh tế của nước này giảm trong năm thứ hai liên tiếp, trong khi thương mại quốc tế giảm 48,4% về giá trị.
Cuộc khủng hoảng cũng có thể làm suy yếu vị thế của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.
"Nếu tình hình virus corona không được giải quyết nhanh chóng, nó sẽ khiến cuộc sống của người Triều Tiên trở nên khó khăn hơn nhiều vào năm 2020", ông Lukin cho hay.
Bình luận