Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy Đồng Tháp phối hợp tổ chức Hội thảo Triển khai thực hiện Hệ giá trị Quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 24/11 tại Đồng Tháp.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trình bày nhiều tham luận, thảo luận tập trung vào các nội dung: Cơ sở lý luận và phương pháp luận triển khai thực hiện Hệ giá trị Quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long; Những đặc điểm, vai trò của các giá trị cốt lõi trong hệ giá trị Quốc gia hiện nay được thể hiện ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc); Những nội dung, đặc điểm, vai trò của các giá trị cốt lõi trong hệ giá trị văn hóa hiện nay được thể hiện ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long (dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học).
Các bài tham luận và các ý kiến thảo luận tiếp cận đa chiều, đa tầng những vấn đề về lý luận và thực tiễn liên quan đến nhiệm vụ triển khai thực hiện Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; tập trung làm rõ nhiều vấn đề còn bất cập trong việc triển khai thực hiện các hệ giá trị từ thực tiễn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đánh giá Hội thảo tiếp tục khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai thực hiện các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Thanh Lâm khẳng định việc nghiên cứu, triển khai thực hiện các hệ giá trị tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng để phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới.
Hội thảo đã tập trung làm sâu sắc hơn vai trò của từng hệ giá trị và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị trong xây dựng và phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, nhấn mạnh lấy chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng, hệ giá trị quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, chi phối các hệ giá trị khác.
Các đại biểu tiếp tục phân tích làm rõ hơn các nội dung, nội hàm các thành tố cơ bản của Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hoá, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021) và đã được khẳng định, làm rõ tại Hội thảo quốc gia (ngày 29/11/2022), gắn với tình hình thực tiễn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội thảo tiếp tục xác định các hệ giá trị, thống nhất xây dựng, ban hành và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị trong đời sống thực tiễn thông qua sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của toàn thể nhân dân
Đồng thời, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, đề nghị các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần quán triệt sâu sắc, toàn diện trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong nhân dân thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các cấp tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị nêu trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng nhân cách, con người, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Các hệ giá trị cần được triển khai đồng bộ và toàn diện, tuyên truyền và lan tỏa, tạo nên sự thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo nên đột phá để phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung chỉ đạo, đưa vấn đề giáo dục giá trị vào trong hệ thống giáo dục quốc dân; phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa - xã hội, cơ quan thông tấn trong sáng tạo, xây dựng và truyền bá các hệ giá trị vào đời sống xã hội; khẳng định những mặt tích cực, lên án, phê phán cái xấu, cái ác, cái giả; khẳng định cái đúng, cái tốt, cái đẹp, lan tỏa các tấm gương tích cực để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, truyền cảm hứng cho xã hội.
Bình luận