"Ký ức Hội An" là linh hồn của di sản văn hóa độc đáo nơi đây.
Ba nguyên tắc vận động được nêu trong Đề cương Văn hóa Việt Nam: “Dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa” từ mọi chiều kích luôn được khẳng định chính là cội nguồn để khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn, khát vọng độc lập dân tộc của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và quảng đại quần chúng nhân dân, đưa những tư tưởng khoa học, tiến bộ vào trong đời sống văn hóa xã hội, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ, hướng vào mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn. Như nhận xét về Đề cương của cố GS. Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: “Đó là đỉnh cao trí tuệ đương thời, là nhận thức sắc bén về tình hình, là dự báo khoa học về tương lai, là sức mạnh tinh thần to lớn mà đất nước đang cần”.
Kế thừa và phát triển những giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương, Đảng ta không ngừng đổi mới tư duy lý luận về văn hóa. Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, vấn đề tiếp tục khẳng định tính chất dân tộc, đại chúng và khoa học của nền văn hóa Việt Nam vẫn là những vấn đề cốt lõi, trọng tâm để phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
TS. Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Đề cương Văn hoá Việt Nam không chỉ có ý nghĩa định hình một dân tộc yêu hòa bình, yêu độc lập tự do trong thời chiến mà đến cuộc sống hôm nay, những giá trị “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng” vẫn không hề thay đổi, thêm vào đó càng hun đúc nhiều hơn. Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, những yếu tố bất diệt mãi được tôn vinh vẫn là lòng yêu nước, những giá trị văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân… Với sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, dù ở thời chiến hay thời bình thì giá trị của Đề cương Văn hoá Việt Nam vẫn luôn có sức sống vĩnh hằng.
TS. Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.
“Đến hôm nay, ba phương châm cũng là ba nguyên tắc vận động vẫn nguyên vẹn giá trị. Trong một xã hội hội nhập, chúng ta vẫn luôn phát huy lòng tự hào, tự tôn dân tộc; vẫn lấy văn hóa phục vụ nhân dân; chống lại những gì phản tiến bộ, động viên nhân dân hướng đến những giá trị chân-thiện-mỹ trong cuộc sống của mình”, TS. Chu Đức Tính nhấn mạnh.
Từ câu chuyện và cái nhìn của ngày hôm nay, chúng ta có thể thấy trong Đề cương năm 1943 còn có một số hạn chế nhất định, thậm chí là cực đoan, duy ý chí. Tuy nhiên, đó là bối cảnh nước sôi lửa bỏng, rất cần có một thái độ cách mạng triệt để nhằm huy động tổng lực sức mạnh của toàn dân tộc vào cuộc chiến cam go. Bên cạnh đó, vì ở dạng “đề cương”, nên chủ yếu là các luận điểm, chưa có điều kiện diễn giải, phân tích sâu. Sau này, cùng với sự phát triển ngày càng sâu sắc của nhận thức và tư duy khoa học, nhiều nội dung của Đề cương đã được Đảng ta nhận thức lại, điều chỉnh, bổ sung và mở rộng.
Theo độ lùi thời gian, tình hình đất nước và thế giới ngày càng biến đổi, đòi hỏi thế hệ hôm nay phải biết phát triển và vận dụng Đề cương một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình mới để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam xứng đáng với lịch sử hào hùng và tầm vóc vĩ đại của dân tộc. Các chính trị gia, học giả, chuyên gia đều cho rằng, tái diễn giải Đề cương từ góc nhìn hiện đại, chúng ta của ngày hôm nay sẽ nhìn thấy có nhiều yếu tố cần bổ sung, cần hoàn thiện để phù hợp hơn, nhưng tất nhiên vẫn trên nền tảng gốc là tinh thần “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng” mà bản Đề cương đã đưa ra.
Theo dòng chảy của thời gian, múa rối nước vẫn tồn tại và phát triển như một sản phẩm tinh thần độc đáo của người Việt, không những được khán giả trong nước yêu thích mà còn hấp dẫn bạn bè quốc tế
Nguyên tắc “Dân tộc hóa” vẫn giữ nguyên giá trị và phát huy tác dụng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nội hàm của nó cần được hiểu rộng và sâu hơn, đa chiều và đa nghĩa hơn. Bên cạnh việc đề cao dân tộc hóa với ý nghĩa “chống mọi sự nô dịch, đồng hóa của văn hóa bên ngoài”, dân tộc hóa của hôm nay còn cần phải hiểu là nền văn hóa có khả năng tiếp thu những giá trị tốt đẹp từ văn hóa toàn cầu để làm giàu và nâng tầm cao hơn cho văn hóa dân tộc.
“Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đón bằng ghi danh của UNESCO tháng 9/2022.
Nhiều chuyên gia văn hoá cho rằng, nhìn từ góc độ này, khái niệm “Dân tộc hoá” sẽ không chỉ “chống” các ảnh hưởng xấu từ bên ngoài, mà còn phải thu nạp những ảnh hưởng tốt đẹp, học tập và nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Sự điều chỉnh, bổ sung này đã được Đảng ta thể hiện rất rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) - bản cương lĩnh thứ hai về văn hóa - với quan điểm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và được làm sâu sắc, đầy đủ hơn trong các văn kiện tiếp theo về văn hóa, văn nghệ.
Nguyên tắc đại chúng hóa và tính chất dân chủ của nền văn hoá để tương thích với những điều kiện lịch sử mới, cũng cần được bổ sung, phát triển và vận dụng linh hoạt hơn. Theo GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Đại chúng hóa không đơn giản chỉ là phát triển văn hóa đại chúng mà ở đây khẳng định vai trò chủ thể sáng tạo và vận động phát triển văn hóa thuộc về nhân dân. Đây là một chân lý vĩnh hằng.
Hoà nhạc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo tháng 9/2022.
Bên cạnh đó, từ cái nhìn hệ thống, nguyên tắc đại chúng hóa hiện nay phải đặt trong tổng thể các mối quan hệ hữu cơ liên quan. Về cơ bản, chủ thể và khách thể chính của văn hóa Việt Nam vẫn là nhân dân, nhưng phải có sự kết nối và phân định chức năng đảm bảo sự phát triển đồng bộ của tổng thể. Về vấn đề này, Đảng ta đã xác định rất rõ trong Nghị quyết số 33: “Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”.
Khoa học hóa theo tinh thần của Đề cương là nhằm “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”. Nguyên tắc này trong bối cảnh mới cũng cần được mở rộng và làm sâu thêm. Cụ thể, chúng ta cần “gạn đục khơi trong”, phát huy những thuần phong mỹ tục, tìm về “cổ học tinh hoa”, khai thác những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, tri thức bản địa... phục vụ đời sống đương đại. Cùng với đó, khoa học hóa hiện nay còn là việc tạo dựng một môi trường nghiên cứu thực sự tự do, dân chủ, cởi mở, là nơi làm khoa học theo đúng nghĩa; văn nghệ phải thực sự được mở rộng tự do sáng tạo tối đa, phát huy tiềm năng của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Bối cảnh xã hội ở hai không gian, thời gian cách nhau tám thập kỷ đương nhiên sẽ có những giá trị không còn phù hợp, đòi hỏi phải có cách nhìn nhận thấu đáo, khoa học và tư duy sẵn sàng thay đổi để hoàn thiện, để kiến tạo nên những giá trị mới. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận: Ở những bối cảnh xã hội khác nhau, chúng ta cần bổ sung thêm những giá trị mới, những nguyên tắc mới để dẫn dắt sự phát triển của văn hóa, lan tỏa hình ảnh về sự phát triển, đổi mới của đất nước ra thế giới. “Chúng ta mong muốn có thêm những giá trị mới, phù hợp với bối cảnh mới. Đó không chỉ giá trị về văn hóa mà còn là giá trị quốc gia, giá trị gia đình, giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Nhiều hoạt động sáng tạo tại Không gian đi bộ Hoàn Kiếm., Hà Nội.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu ví dụ, trong bối cảnh hiện nay, để phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh những hệ sinh thái cho các yếu tố sáng tạo. Chúng ta đang mong muốn sáng tạo sẽ trở thành một yếu tố xuyên suốt để tạo nên những con người mới, nền văn hóa mới phù hợp với sự phát triển chung của đất nước. Yếu tố này cũng có thể truyền tải những giá trị của văn hóa sang kinh tế, chính trị, giáo dục... Đó là lý do vì sao trong thời gian qua chúng ta đề cập rất nhiều đến vấn đề phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Đó cũng có thể là yếu tố mới để chúng ta bổ sung thêm, làm gia tăng giá trị cho Đề cương về văn hoá phù hợp với bối cảnh cuộc sống hôm nay.
Có thể kể thêm nhiều vấn đề khác phát sinh thời nay tác động đến kiến tạo văn hóa tương lai như yếu tố kinh tế trong văn hóa. Do hoàn cảnh chiến tranh, chế độ kế hoạch hóa trước đây, yếu tố kinh tế trong văn hóa không được nhắc đến. Rõ nhất là sản phẩm văn hóa chỉ được nhìn nhận về giá trị tuyên truyền, giáo dục, xây đắp nhận thức chứ không được xem là một loại hàng hóa. Ngày nay, nhận thức mới của Đảng ta sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa đặc biệt, bước đầu đề cao yếu tố kinh tế trong văn hóa, mở ra những chân trời mới cho văn hóa phát triển dựa theo nguyên tắc của kinh tế thị trường.
Vở ballet Kiều hòa trộn nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Ba nguyên tắc vận động văn hóa có thể thay đổi cho phù hợp từng giai đoạn. Cho nên từ năm 1943 đến nay, từ khởi đầu Đề cương, tất cả những Đại hội Đảng, những Nghị quyết về văn hóa, đặc biệt cho đến Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 đều cho thấy chúng ta đang mở rộng chiều kích của ba nguyên tắc này.
Cho nên để kiến tạo văn hóa tương lai mà mục tiêu là xây dựng nền văn hóa của một quốc gia đi theo con đường xã hội chủ nghĩa; một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, đòi hỏi toàn thể những người hoạt động văn hóa, các nhà quản lý cần phải tập trung suy nghĩ về đường hướng phát triển văn hóa cơ sở lý luận khoa học mới mẻ, sát thực tiễn, có tính biện chứng, lịch sử cụ thể sâu sắc.
Bình luận