Quan niệm trẻ em cần bụ bẫm, mập mạp mới khỏe đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam. Tuy nhiên thực tế các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng mập mạp chưa chắc là khỏe, là tốt, thậm chí còn dễ trở thành thừa cân béo phì (TCBP). Cân bằng dinh dưỡng và vận động đầy đủ là các điều kiện cần thiết để trẻ phát triển khỏe mạnh.
Cứ mập mạp, béo tốt là yên tâm?
gia đình chị Hiền (43 tuổi, sống tại Hà Nội) có hai con: cháu Nam học lớp 11 và cháu Linh học lớp 5. Khác với những gia đình khác ép con học thêm và thời gian rỗi chỉ ngồi xem smartphone, gia đình chị thường cho con tham gia các hoạt động mà các cháu thích như đi dã ngoại, đi bơi hay chạy bộ cùng bố mẹ.
Tuy nhiên có một vấn đề khiến vợ chồng chị luôn đau đáu đó là cả Nam và Linh đều tạng “người dây”, không được to lớn như những đứa trẻ khác. Nam dong dỏng cao trong khi Linh so với các bạn cùng khu chung cư lại “còi cọc” hơn, dù cả hai cháu đều được chăm chút và không hề kén ăn.
Cũng chỉ vì vấn đề này mà chị Hiền thường chạnh lòng khi các cháu bị đưa ra so sánh với “con nhà người ta”, hoặc ẩn ý chị không biết chăm con, không “mát tay”, hay nuôi con không đủ chất.
Ngược lại với gia đình chị Hiền, vợ chồng anh Hoàng - chị Hà (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) lại đang đau đầu để kìm hãm chứng ăn uống vô tội vạ của cậu con trai 12 tuổi. Cậu bé thích ăn nhiều tinh bột, đồ chiên rán, fast-food, đặc biệt là các món được bày bán tràn lan trên vỉa hè ở cổng trường. Mới chỉ học lớp 7, với chiều cao 1m55 nhưng cậu bé nặng gần 50kg, khá chậm chạp và lười vận động, chỉ thích ngồi máy tính, xem YouTube.
Từ trường hợp của hai gia đình thấy rằng, không phải “con nhà người ta” bao giờ cũng tốt và không hẳn cứ được như “con người ta” thì bố mẹ sẽ cảm thấy yên tâm. Một số trẻ mập mạp đáng yêu nhưng lại bị thừa cân béo phì, trong khi trẻ tưởng như thấp còi so với những trẻ mập thực tế lại không hề đáng lo ngại. Vấn đề nằm ở sự cân bằng dinh dưỡng và vận động để trẻ phát triển một cách lành mạnh.
Trẻ em Việt, ít vận động, thừa cân béo phì?
Tháng 7 vừa qua, nghiên cứu về “Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh thành Việt Nam” do Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố cho thấy, tại các lứa tuổi khác nhau đều có những bất cập tồn tại trong khía cạnh dinh dưỡng và hoạt động thể lực của trẻ.
Theo nghiên cứu, học sinh tiểu học có khẩu phần ăn uống giàu năng lượng và protein thậm chí cao hơn nhiều so với ngưỡng khuyến nghị, nhưng mức độ tham gia các hoạt động thể lực lại thấp, dẫn đến tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học khá cao, nhất là ở khu vực thành thị.
Ngược lại, khẩu phần ăn của học sinh ở lứa tuổi trung học hiện chưa đạt ngưỡng khuyến nghị về năng lượng, sắt, kẽm, canxi và các loại vitamin… dẫn đến tỷ lệ thấp còi ở học sinh trung học còn cao.
Khảo sát thực hiện trên 5.028 học sinh từ 7 đến 17 tuổi tại 75 trường học cho thấy, đối với học sinh tiểu học (lứa tuổi từ 7 đến 12 tuổi), khẩu phần hiện nay đã đáp ứng ngưỡng khuyến nghị về protein, lipid và glucid cũng như nhu cầu khuyến nghị về năng lượng.
Tuy nhiên, lượng protein và lipid trong khẩu phần ăn của học sinh tiểu học đều đang vượt xa mức nhu cầu khuyến nghị, đặc biệt ở khu vực thành thị là 205,3% và 133,4%, trong khi lượng chất xơ lại rất thấp chỉ đạt 19,1%. Điều này đang góp phần làm cho tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học tăng lên một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, khẩu phần ăn hiện nay của nhóm học sinh THCS (từ 12 đến 15 tuổi) và THPT (từ 15 đến 17 tuổi) đều chưa đáp ứng đầy đủ ngưỡng khuyến nghị về năng lượng. Trong khẩu phần ăn hiện nay của học sinh ở cả hai lứa tuổi này đều có đủ và thậm chí vượt ngưỡng protein khuyến nghị (126,7% đối với học sinh THCS và 118,5% đối với học sinh THPT), nhưng lượng lipid và glucid đều đang ở dưới ngưỡng khuyến nghị.
Đặc biệt, mức đáp ứng về chất xơ ở hai nhóm lứa tuổi này cũng rất thấp ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn, với mức chung là 15,9% đối với học sinh THCS và 17,6% đối với học sinh THPT. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng thấp, còi ở học sinh trung học. Tỷ lệ gầy còm, thấp còi ở học sinh THCS lên tới 35.7% và THPT là 25.2% tại khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, hoạt động thể lực đang đối nghịch với tình trạng về cung cấp năng lượng. Theo kết quả nghiên cứu, nhìn chung đa số trẻ em Việt Nam ở độ tuổi học đường đều có thói quen ít hoạt động thể lực. Thời gian ngồi màn hình ngày nghỉ là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thừa cân béo phì ở học sinh THCS lên 1,154 lần và ở học sinh tiểu học là 1,162 lần.
Giải quyết bài toán mất cân bằng dinh dưỡng
Theo TS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, quan điểm dinh dưỡng quyết định toàn bộ của nhiều người là sai lầm. “Tôi làm về dinh dưỡng, tôi chỉ dám nhận dinh dưỡng có giá trị đến 30-32%, còn lại là các vấn đề khác của xã hội như tập luyện hay gen”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
TS Từ Ngữ cũng khẳng định, trong chiến lược giảm thừa cân, béo phì cần phải có can thiệp sớm. Điều quan trọng nhất là cần phải có chiến lược theo dõi cân nặng của trẻ thường xuyên và làm cho trẻ có ý thức tự chăm sóc cân nặng của mình.
Chính vì vậy, nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, cần tăng cường truyền thông giáo dục tại nhà trường về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cân đối, hợp lý phòng chống thừa cân béo phì, sử dụng hợp lý nguồn thực phẩm giàu chất đạm, kiểm soát cân nặng; cần định hướng các chương trình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở vùng nông thôn và phòng chống TCBP cho trẻ em ở khu vực thành thị.
gia đình, nhà trường và các ban ngành cần tạo điều kiện cho trẻ bữa ăn lành mạnh, cân đối, tạo sân chơi để trẻ vận động, chơi thể thao, đảm bảo giấc ngủ hàng ngày cho trẻ. Chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn.
Bên cạnh đó là phải tăng cường hoạt động thể lực, giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà.
Bình luận