• Zalo

Trẻ em Trung Quốc khó bỏ game online

Chuyện bốn phươngChủ Nhật, 10/10/2021 12:36:47 +07:00Google News

Trong mắt các phụ huynh, game online như mối đe dọa song với nhiều trẻ em Trung Quốc, đó là cơ hội để tạm thoát khỏi thế giới thực đầy áp lực và được công nhận.

Hè năm nay, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt chính sách mới liên quan đến giáo dục và sự phát triển lành mạnh của trẻ vị thành niên như siết chặt dạy thêm, khuyến khích nhiều hoạt động giải trí sau giờ học hay giới hạn trẻ chỉ được chơi game online 3 tiếng/tuần, theo Sixth Tone.

Các chính sách này thể hiện bước tiến mới trong chiến dịch lâu dài của quốc gia tỷ dân nhằm giúp các bậc cha mẹ quản lý việc học của con cái, ngăn chặn các vấn đề như nghiện Internet - điều từ lâu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Từ những năm 2000, truyền thông Trung Quốc đã bắt đầu nêu những ví dụ về hậu quả các gia đình phải gánh chịu khi có con thường xuyên lui tới quán cà phê Internet.

Năm 2002, sau khi một đứa trẻ 13 tuổi phóng hỏa đốt một quán cà phê dạng này ở Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra quy định cấm trẻ vị thành niên vào các cơ sở kinh doanh này. Năm 2006, Luật Bảo vệ trẻ vị thành niên Trung Quốc còn bổ sung "nghiện Internet" vào danh sách hành vi tiêu cực đối với trẻ vị thành niên, bên cạnh cờ bạc và rượu.

Tuy nhiên, những chính sách này dường như không đem lại hiệu quả lâu dài.

Trẻ em Trung Quốc khó bỏ game online - 1

Trung Quốc ban hành nhiều chính sách kiểm soát trẻ vị thành niên chơi game online. Ảnh: People Visual.

"Sau khi những quy định mới nhất được công bố, một bà mẹ nói với tôi rằng dù trẻ em không thể chơi game online tự do nữa, chúng vẫn có thể tải xuống các trò chơi quốc tế hoặc xem livestream game", nhà nhân chủng học Rao Yichen cho biết.

Việc các chính sách kém hiệu quả cũng khiến nhiều bậc cha mẹ tự tìm cách riêng cho mình, đẩy mạnh nhu cầu về các dịch vụ giúp trẻ cai nghiện Internet.

Dù cách hoạt động của những cơ sở này gây tranh cãi, áp dụng nhiều biện pháp cực đoan, nhu cầu về dịch vụ như vậy vẫn rất lớn, nhất là ở những phụ huynh tầng lớp trung lưu muốn biến con mình thành học sinh giỏi.

Sau nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu, Rao Yichen nhận ra rằng bản chất của chứng nghiện Internet ở Trung Quốc liên quan đến những vấn đề xã hội sâu xa.

Kể từ những năm 80, giáo dục ngày càng trở thành yếu tố quan trọng quyết định tương lai của một đứa trẻ trong xã hội. Tận mắt chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt và tình trạng sa thải hàng loạt nhân viên tại các doanh nghiệp nhà nước trong những năm 90, nhiều phụ huynh nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của tấm bằng tốt nghiệp đại học đối với sự an toàn của con cái họ.

Bên cạnh đó, các trường học cũng góp phần làm tăng thêm sự căng thẳng cho các gia đình bằng cách đánh giá và xếp hạng công khai học sinh dựa trên điểm kiểm tra, thành tích. Những đứa trẻ học kém được coi là "học sinh hư", chịu sự chỉ trích, chế giễu từ giáo viên, bạn bè và chính cha mẹ cũng phải chịu một phần trách nhiệm.

Lối thoát

Tuy nhiên, những nỗ lực của nhiều cha mẹ chỉ khiến con cái họ thêm áp lực, ghét bỏ. Nhiều trẻ sử dụng game online để giải tỏa căng thẳng và kết bạn bởi xét cho cùng, nhiệm vụ chính của chúng ở trường vẫn là học hơn là kết giao.

"Lối thoát" này đặc biệt quan trọng với những trẻ đang gặp khó khăn trên lớp. Thành công trong trò chơi điện tử giúp chúng thỏa mãn mong muốn được công nhận và tôn trọng. Ở khía cạnh nào đó, thanh thiếu niên coi Internet như một giải pháp giúp tạm thời thoát khỏi thực tế mà cha mẹ áp đặt lên chúng.

Hầu hết học viên đến trại cai nghiện Internet đều mang trên lưng sự kỳ vọng của gia đình. Dù kiếm được thu nhập ổn định với tư cách là tuyển thủ eSports chuyên nghiệp khi mới 14 tuổi, Yufei vẫn bị cha mẹ gửi đến một trại như vậy.

“Trong con mắt của xã hội truyền thống, chơi game vẫn chưa được xem như một nghề đáng tin cậy. Về cơ bản, không có sự khác biệt giữa game thủ chuyên nghiệp và người lao động nhập cư", Yufei nói.

Trẻ em Trung Quốc khó bỏ game online - 2

Với nhiều bậc cha mẹ, game online chỉ là thứ khiến con mình học kém, ảnh hưởng thành tích. Ảnh: Pxhere.

Những suy nghĩ này đặc biệt phổ biến ở các bậc cha mẹ trung lưu có công ăn việc làm tốt. Khi địa vị xã hội tăng lên, họ đặt kỳ vọng cao hơn vào con cái và gây áp lực nhiều hơn cho chúng.

Tuy nhiên đồng thời, nhiều người bận rộn với công việc và thường ít dành thời gian giao tiếp với con cái. Thay vào đó, họ cố gắng kiểm soát cuộc sống của con từ xa, thường thông qua kỷ luật máy móc và dạy dỗ hà khắc.

Do đó, nhiều trẻ tự tìm cách để trốn khỏi thế giới thực. Những cảm giác ảo về thành tích và sự tự do mà game mang lại giúp chúng giảm bớt cảm giác áp lực, lo lắng và bất lực.

Nhưng đối với những bậc cha mẹ có tư tưởng truyền thống, họ coi việc chơi game chỉ là trò tiêu khiển và là nguyên nhân khiến con bị điểm kém. Họ lo con cái mình có thể lạc lối, dẫn đến rớt khỏi tầng lớp trung lưu.

Theo nhiều giám đốc và cố vấn ở các cơ sở cai nghiện Internet, chứng nghiện Internet ở trẻ em chỉ là biểu hiện của một vấn đề rất cơ bản: xung đột trong gia đình. Cha mẹ nên học cách lắng nghe và giao tiếp với con cái một cách bình đẳng, thay vì hạ thấp và chỉ trích chúng.

Hiện, ngay cả khi chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp giới hạn trẻ vị thành niên chơi game online, tình trạng các gia đình lo lắng chuyện học hành, thúc ép con cái học vẫn còn đó. Thậm chí, các quy định mới có thể làm tình hình trầm trọng thêm.

Trẻ vị thành niên sẽ khó có thể ngừng tìm kiếm cách để chơi game, khoét sâu mâu thuẫn về chứng nghiện Internet và tạo ra vòng luẩn quẩn của các kế hoạch kiểm soát, đối phó.

Để thực sự giải quyết vấn đề nghiện game trong giới trẻ, điều cần thiết là phải giúp chúng tìm thấy ý nghĩa trong học tập và cuộc sống của mình, chứ không chỉ nhốt chúng trong một thế giới chán ghét và cạnh tranh không ngừng.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn